TikTok, WeChat - 'cuộc chiến tranh ứng dụng' chỉ mới bắt đầu
Các ứng dụng di động đang trở thành chiến trường tiếp theo giữa hai siêu cường thế giới và dữ liệu người dùng chính là tài sản mới nhất mà ai cũng muốn kiểm soát.
Thông báo gần đây rằng chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch cấm hai ứng dụng đình đám của Trung Quốc, TikTok và WeChat, được cho là những cơn sóng đầu tiên trong một cuộc xung đột mới giữa các siêu cường.
Theo trang NBC News, về bản chất, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của “Cuộc chơi Vĩ đại”, một thuật ngữ ra đời từ thế kỷ 19 nhưng sử dụng vào thập niên 1990 khi nhắc tới sự cạnh tranh của các siêu cường với những vùng đất giàu hàng hóa ở Trung Á. Còn lúc này, các ứng dụng di động là chiến trường tiếp theo, và thông tin dữ liệu về người dùng là những hàng hóa mới nhất mà các bên đều muốn kiểm soát.
Bên cạnh nguy cơ về dữ liệu người dùng, chính quyền Tổng thống Trump có thể đặc biệt lo ngại nguy cơ các thuật toán của mạng xã hội có thể được sử dụng để điều chỉnh, chèo lái dư luận trong những vấn đề chính trị quan trọng.
Khi mặt trận mới nhất mở ra
Khi xung đột quân sự trực tiếp giữa các siêu cường trở nên quá nguy hiểm, các đối thủ thường chuyển sang các mặt trận khác – chính trị hoặc kinh tế. Với việc Trung Quốc đã giành được vị thế siêu cường cả về chính trị và quân sự, nhiều căng thẳng đang trên đà gia tăng. Chính quyền Tổng thống Trump đang ở giữa một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, hai bên đã tung các lệnh cấm trị giá hàng tỉ USD vào hàng hóa của nhau. Giờ đây mặt trận mới nhất đã mở ra, và đang tập trung vào các công cụ của thế hệ công nghệ mới.
Mặc dù Mỹ luôn tìm cách cấm chuyển giao một số công nghệ có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia (như công nghệ hạt nhân hay mã hóa dữ liệu bảo mật), đây là lần đầu tiên họ cấm những ứng dụng (app) mạng xã hội nổi tiếng với giới trẻ, với lý do an ninh quốc gia.
Có thể có những lý do chính trị nội bộ, nhưng chính quyền Tổng thống Trump tìm cách cấm các ứng dụng mạng xã hội khổng lồ của các công ty Trung Quốc nhằm ngăn ngừa nguy cơ Bắc Kinh tiếp cận dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng Mỹ. Cơ chế để thực thi lệnh cấm này là đe dọa xóa các ứng dụng đó khỏi các kho ứng dụng của Apple và Google.
Nếu ta xem xét sắc lệnh của ông Trump, thì vấn đề ở đây dường như thiên về thương mại, riêng tư và xâm phạm dữ liệu hơn là an ninh quốc gia. Nhưng điểm mấu chốt thì giống nhau: Mỹ và Trung Quốc đều coi các ứng dụng di động và thông tin mà họ kiểm soát là chỗ dựa quan trọng cho cấu trúc quyền lực của mỗi bên và đều muốn kiểm soát các ứng dụng này để chiếm lợi thế trong cuộc chiến giành quyền tối thượng.
Ngoài vấn đề dữ liệu, chính quyền Mỹ có thể lo lắng rằng các thuật toán mạng xã hội sẽ được sử dụng để chèo lái dư luận trong các vấn đề chính trị quan trọng, chẳng hạn như Facebook bị cáo buộc gây ảnh hưởng tới các kết quả bầu cử.
Với trên 100 triệu người dùng chỉ riêng tại Mỹ, TikTok đã trở thành một sức hút mới với thế hệ trẻ. Sử dụng TikTok, người dùng có thể tạo ra, chia sẻ và xem các video ngắn, nội dung cuốn hút. Trong khi đó, WeChat, ứng dụng lớn hơn TikTok xét trên toàn cầu, hiện có trên 1 tỉ người dùng tích cực mỗi tháng, chủ yếu là tại Trung Quốc, thay thế cho thư thoại, tin nhắn, trò chuyện nhóm và email.
Một số người dự đoán rằng TikTok đã lần đầu tiên lọt vào tầm ngắm của chính quyền Tổng thống Trump sau khi một số lượng lớn người trẻ tuổi tại Mỹ sử dụng nó để chế giễu chiến dịch tranh cử của ông tại Tulsa (Oklahoma) hồi tháng 6.
Sau đó không lâu, ông Trump tuyên bố rằng, do TikTok chịu sự giám sát của Chính phủ Trung Quốc, dữ liệu mà họ lưu trữ trên máy chủ đặt tại Trung Quốc có thể gây ra những rủi ro bảo mật không thể chấp nhận được. Còn WeChat được đưa vào danh sách cấm, có lẽ chỉ để chứng minh rằng lệnh cấm không mang mục tiêu chính trị nhằm chống lại chỉ một công ty.
"Cuộc chiến ứng dụng" mới vừa bắt đầu
Ông Trump đã chỉ ra những vấn đề có thể giải quyết nếu Chính phủ Trung Quốc không thể tiếp cận các dữ liệu và hoạt động của TikTok.
Vì thế sau thông báo về lệnh cấm dự kiến áp đặt vào đầu mùa hè này đã dẫn đến một cuộc chạy đua giữa công ty đứng sau TikTok, ByteDance, và các gã khổng lồ công nghệ Mỹ để xem liệu họ có thể thu hút lượng khán giả khổng lồ của TikTok hay không.
Sau khi Microsoft thất bại trong nỗ lực mua tài sản của TikTok tại Mỹ, chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào cuối tuần trước, Oracle và Walmart đã đạt được một thỏa thuận đầu tư vào một công ty mới để tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Sau thông báo về thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Trump đã dừng quyết định loại bỏ TikTok khỏi các kho ứng dụng tại Mỹ, tính đến thời điểm này. Hiện chưa rõ thỏa thuận nói trên có được thực hiện và TikTok có thực sự thoát khỏi lệnh cấm hay không, tuy nhiên, Bắc Kinh đã phát tín hiệu không hài lòng với động thái này vào ngày 22/9, dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận.
Trong khi đó, do WeChat cũng sẽ bị xóa khỏi Google và các cửa hàng ứng dụng Apple, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra lệnh tạm dừng lệnh cấm như một phần của vụ kiện cáo buộc Bộ Thương mại đang vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền của người dùng Mỹ.
Bất kể kết quả của những cuộc giao tranh cụ thể này ra sao, thì cuộc chiến ứng dụng chỉ mới bắt đầu.
Mỹ không phải là siêu cường kinh tế duy nhất cấm các ứng dụng của Trung Quốc. Hồi tháng 6, sau cuộc đụng độ đẫm máu ở vùng tranh chấp trên dãy Himalaya, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó nổi bật nhất là TikTok, với lý do tương tự như Mỹ. Liên minh Châu Âu, tổ chức đi đầu trong việc ủng hộ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng, thì không cấm TikTok nhưng đã dấy lên những lo ngại về các chính sách dữ liệu của công ty này.
Vậy điều này sẽ dẫn đến đâu? Giám đốc điều hành của Instagram đã phàn nàn rằng lệnh cấm do Mỹ áp đặt cũng sẽ cho phép các quốc gia khác xóa ứng dụng của công ty Mỹ vì những lý do tương tự. Mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, với những đòn ăn miếng trả miếng liên quan đến các siêu cường đang sử dụng kho ứng dụng làm bàn cờ mới và các ứng dụng là quân cờ.