Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Sáng 24/3, Chính phủ đã tổ chức hội nghị toàn quốc về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham sự còn có giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh cùng lãnh đạo 12 công ty, doanh nghiệp Nhà nước đóng chân trên địa bàn.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo, đánh giá vị trí vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất định hưởng lớn nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN. Đồng thời, lắng nghe các đại biểu báo cáo về tình hình đổi mới, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước).
Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.
Quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải (Vietnam Airlines), cảng biển và logistic (TCT Tân Cảng Sài gòn, TCT Hàng Hải Việt Nam)....
Thời gian qua, việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đã tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán)… Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải nộp về ngân sách nhà nước là 250.000 tỷ đồng. Tổng số tiền đã nộp NSNN (thông qua Quỹ) là 234.387 tỷ đồng (đạt 93,6% kế hoạch).
Các đại biểu tham dự hội nghị tham gia phát biểu, đánh giá trong thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo và tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn của DNNN, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay dù vai trò, vị trí của DNNN được xác định là rất quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Vẫn còn một số bất cập trong cơ chế thoái vốn nhà nước; khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả rõ nét; chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm cơ bản vẫn áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước; không tạo được động lực khuyến khích cán bộ, công nhân viên, nhất là cán bộ quản lý, dám chủ động, đổi mới sáng tạo và cống hiến hết mình trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; vai trò của DNNN trong các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa còn mờ nhạt, tham gia hội nhập và cạnh tranh quốc tế còn hạn chế,…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, DNNN đang thực sự đóng vai trò chi phối như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng giao thông... Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, cảng biển và logistic…
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nêu trên, kết quả hoạt động của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Tái cơ cấu DNNN chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ sau: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội xác định DNNN là một lực lượng quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đất nước, thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt, trong đó tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực.
Phát huy tối đa vị trí, vai trò, sứ mệnh và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong hỗ trợ, khuyến khích DNNN phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế. Trọng tâm cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà phải là hình thức tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.
Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích và công cụ quản lý riêng đối với DNNN quy mô lớn có vai trò quan trọng trong các ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế; tách biệt khỏi thể chế, chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, DNNN quy mô nhỏ tại các địa phương.
Đối với các doanh nghiệp này, cần phải xây dựng và xác định rõ định hướng, giao cho họ các sứ mệnh, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể tương xứng với nguồn lực, vị trí và vai trò trong phát triển các ngành lĩnh vực có liên quan của nền kinh tế. Không áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với cổ phần hóa, thoái vốn; thay vào đó, thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả để cơ cấu lại và huy động thêm vốn phục vụ phát triển DNNN có liên quan.
Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp…