'Tiếp tay' cho sai phạm đất đai, nhóm cựu cán bộ huyện Gia Lâm lĩnh án

Bị 'tuýt còi' do chuyển nhượng đất không đúng đối tượng nhưng Thành vẫn thành lập doanh nghiệp, xin dự án và 'đi đêm' với cán bộ để biến đất nông nghiệp thành đất ở…

Ký hàng chục quyết định vì tin tưởng cấp dưới

Chiều 22-5, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Hoàng Văn Thành (SN 1965, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 9 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 26 năm tù.

Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Nguyễn Quang Hải (SN 1954, cũng ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) bị tuyên phạt 4 năm tù; Lương Văn Thành (SN 1957, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Gia Lâm, Hà Nội) phải lĩnh 4 năm 6 tháng tù.

Phiên tòa xét xử nhóm cựu cán bộ huyện Gia Lâm.

Phiên tòa xét xử nhóm cựu cán bộ huyện Gia Lâm.

Tiếp đến là Lý Duy Khoa (SN 1989, cựu cán bộ phòng Tài nguyên và môi trường huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị tuyên phạt 4 năm tù; Nguyễn Bá Hoán (SN 1973, cựu Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù và Phan Thế Long (SN 1976, cựu cán bộ địa chính Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị áp dụng 4 năm tù...

Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (SN 1963, cựu Trưởng ban dân vận huyện ủy Gia Lâm, Hà Nội) bị xử phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuyên phạt các bị cáo những mức án nêu trên, HĐXX sơ thẩm nhận định, đủ căn cứ xác định bị cáo Hoàng Văn Thành đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, cáo trạng truy tố Thành và đồng phạm là không oan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Theo Tòa, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản thuộc sở hữu của người khác, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quản lý Nhà nước. Sai phạm của Hoàng Văn Thành và các bị cáo liên quan còn gây mất an ninh trật tự, gây hoang mang trong dư luận xã hội tại địa phương.

Quá trình xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm cũng xem xét, đánh giá thêm các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo. Một số bị cáo cũng chủ động nộp tiền để khắc phục hậu quả để làm căn cứ khi tòa án lượng hình.

Trong số 7 bị cáo, bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần do tin tưởng cấp dưới nên ký 26 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng các khu đất và miễn giảm tiền sử dụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo Thuần chưa có tiền án tiền sự, nộp tiền khắc phục hậu quả nên được tòa án xem xét.

Mánh khóe “hô biến” đất nông nghiệp thành đất ở

Trước đó, quá trình xét xử cho thấy, năm 2011, Hoàng Văn Thành và Ngô Thị Thanh Thủy (đã chết) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233m2 ở tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do đây là đất nông nghiệp trồng lúa, không được phép chuyển nhượng cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) có văn bản yêu cầu các bên hủy bỏ giao dịch.

Tuy nhiên, 9 hộ dân không trả lại tiền nên Thành và Thủy vẫn là người sử dụng khu đất trên. Năm 2011, Thành lập ra Công ty CP Kinh doanh tổng hợp – xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt (gọi tắt là Công ty Thành Đạt) với mục đích xin lập dự án xây dựng nhà liền kề để bán đất.

Năm 2012, UBND huyện Gia Lâm chấp thuận chủ trương đồng ý cho Công ty Thành Đạt lập dự án tại diện tích đất trên. Đến năm 2015, 2016, Thành và Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền định đoạt 8/9 thửa đất trên. Đồng thời, nhóm của Thành xin tách thửa.

Sau đó, Thành bán cho Nguyễn Quang Hải 2/29 thửa đất. Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đô thị và xin miễn giảm tiền sử dụng đất từ 70-90%, Thành và Nguyễn Quang Hải bàn nhau thuê các thương binh đứng tên các thửa đất trên.

Các bị cáo đã thuê 29 người có công với cách mạng với số tiền thuê từ 20 triệu đồng – 50 triệu đồng/người. Những người này ký hợp đồng ủy quyền cho Thành, Thủy và Hải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng do vướng quy hoạch nên có 3/29 thửa đất không chuyển đổi mục đích sang đất ở.

Theo hồ sơ, Thành và Hải thống nhất để Hải gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại cuộc họp ngày 7-6-2016, UBND huyện Gia Lâm có chủ trương cho phép chuyển hơn 5.100m2 đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong khu dân cư tại tổ dân phố Cửu Việt và giao cho Phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp với Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm giải quyết.

Thành và Hải sau đó thường xuyên đến UBND huyện Gia Lâm gặp Lương Văn Thành và Nguyễn Ngọc Thuần nhờ giải quyết. Trong vụ án này, Phan Thế Long – cán bộ UBND thị trấn Trâu Quỳ tiếp nhận 26 hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở của Thành và Hải.

Bị cáo Long biết rõ khu đất này là của Thành và các thửa đất không phải là đất nông nghiệp nằm xen kẹt nhưng vẫn báo cáo sai sự thật và hoàn thiện thủ tục niêm yết công khai, trình lãnh đạo UBND thị trấn Trâu Quỳ ký tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sau đó, Long được Thủy bán rẻ cho thửa đất diện tích 175,7m2. Long đã bán lại thửa đất trên và lãi 50 triệu đồng.

Căn cứ kết quả thẩm định, đề xuất của Long, Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ khi đó là Nguyễn Bá Hoán đã ký xác nhận vào 26 đơn trên. Ngày 29-8-2016, Chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ ký tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 15 hộ dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ngày 22-2-2017, Nguyễn Bá Hoán tiếp tục ký tờ trình do Long soạn thảo gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 14 hộ dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại cơ quan điều tra, Thành khai nhận đã chi cho Chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ 15 triệu đồng/ bộ hồ sơ thông qua Lương Văn Thành để ông này ký các hồ sơ kỹ thuật thửa đất.

Theo cáo buộc, khi tiếp nhận hồ sơ, Lý Duy Khoa – cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm không kiểm tra, xem xét điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất. Khoa được Thành chi 30 triệu đồng và hứa hẹn bán cho 1 thửa đất ở sau khi chuyển đổi xong.

Còn Lương Văn Thành ký tờ trình đề nghị cho phép các hộ dân được chuyển mục đích đất và giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm) không kiểm tra hiện trạng đất, không chỉ đạo kiểm tra điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất, trong hồ sơ không có kiến nghị của UBND cấp xã nơi người có công với cách mạng cư trú và kết quả xác minh lại của UBND cấp huyện.

Do tin tưởng cấp dưới, ông Thuần ký 26 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 26/29 thửa đất với diện tích hơn 3.400m2 và miễn giảm tiền sử dụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 20,4 tỷ đồng.

Sau đó, Thành đã chia tách 20 thửa đất thành 43 thửa đất; Thủy tách 5 thửa đất thành 12 thửa đất và Hải tách 1 thửa đất thành 3 thửa đất để bán cho những người khác. Quá trình điều tra, Thành khai nhờ Hải đưa hơn 4 tỷ đồng cho lãnh đạo huyện Gia Lâm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiep-tay-cho-sai-pham-dat-dai-nhom-cuu-can-bo-huyen-gia-lam-linh-an-post577199.antd