Tích hợp các ban chỉ huy về phòng thủ dân sự để tránh chồng chéo

Hôm nay 12/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Thái Nguyên phục vụ thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Đây là địa phương có 3 hệ thống sông lớn chảy qua, là trung tâm đào tạo lớn của cả nước và cũng là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, do đó công tác ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn là vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện, tránh chồng chéo giữa các lực lượng.

Tỉnh Thái Nguyên có 35 cụm công nghiệp, 7 Khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp quy mô lớn, đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn. Phòng thủ dân sự là nội dung rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có các biện pháp phòng cháy chữa cháy, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Do vậy, việc xây dựng Luật cần đảm bảo sự thống nhất với Luật Phòng cháy chữa cháy.

Thượng tá PHAN THANH SƠN, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thái Nguyên: “Khi chúng ta tích hợp với Luật phòng thủ dân sự cần tính toán đến nội dung này. Nếu không khi xảy ra cháy thảm họa, quân đội đến, cảnh sát PCCC đến thì ai chỉ huy PCCC đây. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện người chỉ huy là đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh sẽ chỉ huy chữa cháy.”

Tránh chồng chéo giữa các văn bản luật cũng như việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đây cũng là vấn đề đặt ra khi Đoàn khảo sát làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.

Thiếu tướng NGUYỄN THỊ XUÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Về nguyên tắc khi xảy ra sự cố cháy lớn thì lực lượng chuyên trách là PCCC, vậy có phải do 1 đồng chí Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự chỉ huy hay không ? Mà về mặt chuyên môn thì phải do Giám đốc hay Trưởng phòng Cảnh sát PCCC chỉ huy.”

Ông HOÀNG ANH CÔNG, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:“Quân sự có, công an có, rồi nông nghiệp nông thôn , y tế có , nằm rải rác như thế. Có 5 Ban chỉ đạo trong 1 địa phương cùng hoạt động về phòng thủ dân sự, thì việc phối hợp giữa các cơ quan khó khăn. Trong luật có nên gom lại không vì căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và liên quan các luật, mỗi ông một luật.”

Ông ĐẶNG XUÂN TRƯỜNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên:“Nhiều Ban chỉ đạo, nếu không tích hợp lại thì rất khó khăn trong điều hành. Ví dụ trong phòng thủ dân sự, Phó trưởng ban là quân sự hay công an, nhưng trong phòng chống lụt bão lại phân cho từng phó chủ tịch.”

Thống kê ban đầu, hiện nay có 38 luật có liên quan đến phòng thủ dân sự, do vậy, dự án Luật Phòng thủ dân sự cần đảm bảo tích hợp để tránh chồng chéo.

Trung tướng ĐỖ QUANG THÀNH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Vấn đề vướng mắc nhất là Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực, cơ chế phối hợp là phải làm rõ trong thời gian tới. Sự thực hiện của các địa phương đang hiệu quả nên quá trình xây dựng Luật cần kế thừa các địa phương.”

Đoàn khảo sát cũng ghi nhận thực tế tại địa phương về việc xác định các loại hình sự cố, thảm họa; việc xây dựng lực lượng, bao gồm cả chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi để phát huy hiệu quả, xử lý tình huống, ngăn chặn và giảm thiểu hậu quả trong phòng thủ dân sự.

Thực hiện : Khắc Phục Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tich-hop-cac-ban-chi-huy-ve-phong-thu-dan-su-de-tranh-chong-cheo