Bộ Y tế: 'Phải cấm vì chứa nicotine, ảnh hưởng chất lượng giống nòi'

'Thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác', Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nói.

Những năm qua, việc cấm hay không với thuốc lá mới vẫn là “cuộc chiến chính sách” rất gay gắt. Một bên là Bộ Y tế kiên định với quan điểm cùng WHO và nhiều nước trên thế giới đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; một bên là Bộ Công thương và các hãng thuốc lá thế hệ mới cho rằng cần cấp phép cho thuốc lá nung nóng, trước hết là thí điểm.

Tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng đề xuất thí điểm cấp phép cho thuốc lá nung nóng để quản lý tốt hơn trong bối cảnh các chế tài, văn bản pháp lý hiện chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và nhiều đại biểu Quốc hội lại đồng tình với việc cấm thuốc lá thế hệ mới vì lo ngại hóa chất độc hại cho sức khỏe con người.

Để hiểu rõ thêm về thuốc lá thế hệ mới, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế).

Cần ngăn chặn các kết luận cho rằng thuốc lá thế hệ mới an toàn

- Bộ Công Thương đề xuất cấp phép thí điểm quản lý thuốc lá nung nóng và có ý kiến cho rằng loại này không có hại. Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này ra sao, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Theo WHO, không có sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện.

Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế, thì lệ thuộc nicotine thuộc bệnh rối loạn do sử dụng chất kích thích, hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...

Theo WHO, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại cho sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá (Bộ Y tế)

WHO kêu gọi các nước cần ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của thuốc lá mới, đồng thời có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

Tại hội nghị COP8, WHO khuyến cáo: Việc cho phép thuốc lá mới làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng chúng, dẫn tới nghiện nicotine và tăng sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Do đó, cần ưu tiên áp dụng các biện pháp ngăn chặn sử dụng, như quy định cấm.

Chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong phòng chống tác hại thuốc lá, vì vậy Bộ Y tế nhất quán quan điểm cấm cấp phép đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Mở đầu xu hướng nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp

- Quan điểm của Bộ Y tế được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có người thắc mắc vì sao cấm thuốc lá thế hệ mới mà không cấm thuốc lá truyền thống?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Thuốc lá truyền thống ra đời từ hàng trăm năm trước do nhiều nguyên nhân. Khi bắt đầu sử dụng, nhân loại chưa nhận thức được các tác hại to lớn của thuốc lá với sức khỏe.

Cho đến khi nhìn nhận được tác hại là quá nghiêm trọng, 184 nước trên thế giới đã ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, nhằm giảm nhu cầu sử dụng, giảm cung cấp thuốc lá, qua đó giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Cần ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của thuốc lá mới

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê

Hút thuốc lá thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế, nên rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang phải khó khăn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vì tính gây nghiện với người sử dụng.

Trong khi đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm độc hại mới có những năm gần đây. Trong thuốc lá điện tử có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử .

Thuốc lá nung nóng (HTPs) sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc (hoặc viên nén thuốc lá) đến nhiệt độ đủ để tạo ra “sol khí” (khói) có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá.

Đặc biệt, hiện nay thuốc lá nung nóng rất đa dạng, có nhiều sản phẩm kết hợp giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử, khiến việc kiểm tra khó khăn, như thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá, mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.

Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 4 học sinh nhập viện do ngộ độc Nicotine sau khi hút thuốc lá thế hệ mới (ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)

- Sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới tác động như thế nào đến phụ nữ và trẻ em - nhóm đối tượng được đề cao bảo vệ trước tác hại của thuốc lá?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Thuốc lá mới hướng đến giới trẻ, khiến trẻ em nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn.

Số liệu từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy đây là nguyên nhân dẫn đến tăng sử dụng thuốc lá điếu thông thường, bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Những người chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới trẻ hút thuốc lá đã gia tăng nhanh chóng

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới trẻ hút thuốc lá đã gia tăng nhanh chóng. Kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi, do việc người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

Thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về chăm sóc sức khỏe, chi phí y tế, kinh tế, an ninh trật tự, mà ảnh hưởng đến giống nòi và phát sinh nhiều vấn đề xã hội.

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do tính gây nghiện cao, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các hình thức thuốc lá mới sẽ nhanh chóng tạo ra “sự đã rồi”, hoặc “vấn đề lịch sử”, sẽ không thể giải quyết, do đó sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Thuốc lá truyền thống chưa bị cấm nhưng đã được điều chỉnh và quản lý theo Luật PCTH thuốc lá với sự tham gia quản lý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì thời gian tới sẽ rất khó kiểm soát tác hại của chúng, người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự và môi trường.

Các em nhỏ phải cấp cứu vì ngộ độc thuốc lá thế hệ mới

Số trẻ em sử dụng thuốc lá thế hệ mới tăng ở mức báo động

- Để có những số liệu thuyết phục trong phản bác quan điểm cấp phép thí điểm cho thuốc lá thế hệ mới thì Bộ Y tế có các nghiên cứu, đánh giá việc dùng loại thuốc lá này ở Việt Nam hay không?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê:Bộ Y tế đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành nhiều nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kết quả cho thấy việc sử dụng tăng nhanh thời gian qua:

Kết quả điều tra việc sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS) chỉ ra: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% vào 2023.

- Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Vậy nếu cho phép thuốc lá thế hệ mới lưu hành, chúng ta có vi phạm Công ước trên?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO vào ngày 11/11/2004, trong đó quy định: Sự cần thiết tiến hành các biện pháp để bảo vệ tất cả mọi người khỏi việc phơi nhiễm đối với khói thuốc lá; Sự cần thiết tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa sự bắt đầu sử dụng thuốc lá, khuyến khích và ủng hộ việc cai nghiện và giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức”.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới là đi ngược lại nguyên tắc giảm cung cấp và nhu cầu thuốc lá của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, mà Việt Nam là thành viên.

Việc cho phép thuốc lá mới là đi ngược lại mục tiêu giảm cung cấp và giảm sử dụng các sản phẩm thuốc lá quy định tại Chiến lược quốc gia về phòng chống tác tại của thuốc lá đến năm 2030 và Luật phòng chống tác tại của thuốc lá.

Việc cho phép thuốc lá mới sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác phòng chống tác tại của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá, cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế của đất nước.

- Cám ơn ông !

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-y-te-phai-cam-vi-chua-nicotine-anh-huong-chat-luong-giong-noi-post174900.html