Thực trạng thí sinh không mặn mà với khoa học cơ bản: Bài toán cần giải gấp để tránh hệ lụy lâu dài!

Việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản ngày càng trở nên khó khăn, bởi cơ hội việc làm khi ra trường thấp, môi trường làm việc không hấp dẫn, thiếu sức hút.

Lương thấp, khó xin việc

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo 4 lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong năm 2022 gồm nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống. Mỗi năm, những lĩnh vực này chỉ tuyển được gần được phân nửa số chỉ tiêu đặt ra. Trong đó chỉ tiêu đạt được của lĩnh vực khoa học tự nhiên là 59%, khoa học sự sống là 58%.

Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số trường đại học đang đào tạo các ngành khoa học cơ bản gồm: Những ngành (toán học, vật lý, hóa học, sinh học), các ngành trong khối khoa học trái đất (địa lý, địa chất, môi trường, khí tượng và khí hậu học, hải dương học). Hiện nay, những học sinh giỏi lại không thích thi vào ngành khoa học cơ bản mà chọn thi vào các khối ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ.

Sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản khó xin việc làm đúng với chuyên ngành học ở các doanh nghiệp hoặc công ty tư nhân.

Lý giải về thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sức hút đối với thí sinh của các ngành khoa học cơ bản không cao. Những lý do không thuộc về khả năng của nhà trường như cơ hội việc làm, mức thu nhập thấp. Trong khi đó, sức hấp dẫn của những lĩnh vực của các ngành nghề khác lại cao hơn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản khó xin việc làm đúng với chuyên ngành học ở các doanh nghiệp hoặc công ty tư nhân. Về phía cơ quan nhà nước, chỉ tiêu tuyển dụng ít, khó có thể tiếp nhận hết số sinh viên theo học ngành này khi ra trường. Môi trường làm việc của ngành khoa học cơ bản chủ yếu ở các cơ quan nghiên cứu hoặc trường đại học.

Điều kiện làm việc ở đây khá “kén” người, đòi hỏi phải có trình độ cao, đầu tư chất xám lớn mới có thể thực hiện được các công trình nghiên cứu. Trong khi đó, những ngành liên quan đến kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn, môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với trình độ của nhiều đối tượng nên nhiều em đã đăng ký theo học. Ngoài ra, lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh viên không mặn mà theo học.

Nỗ lực thu hút thí sinh

Để thu hút sinh viên theo học các ngành cơ bản, nhiều trường đại học đã có nhiều cách thức như cấp học bổng hay cải tiến chương trình để khoa học cơ bản hấp dẫn hơn. Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị tiên phong thí điểm triển khai cấp gói học bổng dành cho học sinh đang có mong muốn đăng ký nguyện vọng nhập học vào các ngành khoa học cơ bản của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiện 18 ngành thuộc 2 trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai chương trình học bổng để thu hút thí sinh xuất sắc theo học. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 9 ngành: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gồm 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học. Sẽ có tối thiểu 5 suất học bổng/ngành/khóa học. Số suất học bổng hàng năm do hiệu trưởng quyết định tùy thuộc vào số lượng và chất lượng hồ sơ ứng tuyển. Mức học bổng bao gồm: miễn học phí và bố trí chỗ ở trong ký túc xá cho cả khóa học (4 năm học), hỗ trợ sinh hoạt phí tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trong năm thứ nhất và các năm tiếp theo nếu duy trì được học lực loại giỏi trở lên.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh năm 2022 cũng đã dành 2 tỷ đồng học bổng để cấp cho sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển gồm vật lý, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật địa chất, địa chất học, khoa học môi trường và công nghệ kỹ thuật môi trường.

Thí sinh không mặn mà theo học các ngành khoa học cơ bản.

Ngoài vấn đề cấp học bổng, tại nhiều trường đang nỗ lực thay đổi chương trình đào tạo. Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Nguyễn Vũ Bích Hiền cũng cho rằng, về phía nhà trường luôn nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo để có tính ứng dụng cao, gắn với vị trí việc làm cụ thể và nhu cầu nhân lực của xã hội. Nhà trường cũng đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh để sinh viên hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo của nhà trường.

Nhà trường cũng đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để có sự tham gia của họ ngay từ quá trình đào tạo sinh viên trong trường đại học. “Chương trình đào tạo các ngành hiện nay được xây dựng có sự đối sánh với chương trình đào tạo của các nước có nền giáo dục tiên tiến, có tính ứng dụng cao và gắn với nhu cầu xã hội” - bà Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhà trường đa dạng hóa các hướng đào tạo đối với các ngành đào tạo khoa học cơ bản nhằm tăng cơ hội việc làm cho người học và gắn kết các ngành đào tạo khoa học cơ bản với các ngành khoa học ứng dụng khác để sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm.

Không nên để mặc các nhà trường tự bơi

Trong khi các trường đại học đang nỗ lực hết mình thay đổi để thu hút tuyển sinh thì chúng ta vẫn đang thiếu chính sách tổng thể. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, khoa học cơ bản là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ ở mỗi quốc gia. Việc duy trì, đầu tư và phát triển các ngành đào tạo khoa học cơ bản là rất cần thiết. Việc thiếu sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản về lâu dài là sự thiếu hụt nguồn cán bộ chất lượng cao hoạt động trong ngành này, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong khi đó, ông Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng về lâu dài, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn chế độ lương tốt, tạo điều kiện và môi trường làm việc để các em yên tâm lựa chọn các ngành khoa học cơ bản để học tập và mong muốn cống hiến. Đa số thí sinh lựa chọn ngành nghề theo tiêu chí ngành nào lương cao dễ xin việc thì tập trung vào.

“Nếu Nhà nước đặt hàng, có học bổng, vay vốn học tập không lãi suất, bố trí việc làm, chế độ lương bổng và điều kiện làm việc tốt thì chắc chắn các ngành khoa học cơ bản sẽ thu hút hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có dự báo xu thế phát triển của quốc gia liên quan đến khu vực và thế giới, có chiến lược ngắn hạn và dài hạn từ đó quyết định tập trung phát triển ngành khoa học cơ bản nào để có chính sách đầu tư mạnh mẽ” – ông Lê Thành Bắc nhấn mạnh.

Như vậy qua nhiều ý kiến của chuyên gia có thể thấy, để ngành khoa học cơ bản thu hút nhiều người giỏi theo đuổi đam mê, cống hiến trí tuệ thì Nhà nước cần có chính sách quan tâm, chế độ đãi ngộ hợp lý, bố trí tuyển dụng khi sinh viên ra trường, hoặc đào tạo theo các chương trình cử tuyển.

Trong thực tế, nhiều ngành nghề đang tích hợp liên ngành, do đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc truyền thông, định hướng nhu cầu của xã hội về ngành nghề liên quan đến khoa học cơ bản, tạo niềm tin cho sinh viên khi theo học cũng như ra trường có được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo và bảo đảm cuộc sống.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-trang-thi-sinh-khong-man-ma-voi-khoa-hoc-co-ban-bai-toan-can-giai-gap-de-tranh-he-luy-lau-dai-post243442.html