Thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch

Liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Bởi lẽ, sự liên kết góp phần tạo thêm trợ lực cho du lịch, thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch; thu hút các thị trường khách mới; thậm chí là thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch - lĩnh vực mà vốn dĩ Thanh Hóa đang nắm giữ nhiều thế mạnh để khai thác và phát triển.

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - điểm đến du lịch giàu giá trị của xứ Thanh.

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - điểm đến du lịch giàu giá trị của xứ Thanh.

Còn nhớ thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong quảng bá và thu hút khách du lịch được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm và triển khai tương đối hiệu quả. Trong đó có thể kể đến việc hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh đã được xúc tiến, với một chuyến khảo sát các điểm đến du lịch qua 3 tỉnh và hội nghị hợp tác được tổ chức trang trọng tại tỉnh Thanh Hóa. Tại sự kiện này, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đã hướng đến khả năng hợp tác phát triển du lịch, thông qua việc xây dựng các sản phẩm và kết nối điểm đến du lịch 3 địa phương. Điều này là có cơ sở khi mà cả Thanh Hóa, Ninh Bình và Quảng Ninh đều sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn rất đa dạng, giàu giá trị. Nổi bật trong đó là các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, bao gồm Vịnh Hạ Long, Tràng An và Thành Nhà Hồ. Đồng thời, cả 3 tỉnh đều có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt, với nhiều cơ sở lưu trú quy mô, hiện đại, có khả năng đón và phục vụ khách du lịch từ trung đến cao cấp... Do đó, cả 3 tỉnh có thể liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như du lịch văn hóa - di sản, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo, du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng, du lịch MICE, du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm...

Ngoài Ninh Bình và Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa còn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong 4 tỉnh Bắc miền Trung gồm Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Đồng thời, tích cực liên kết với nhiều tỉnh, thành trong cả nước để quảng bá và thu hút các thị trường khách như chương trình hợp tác Thanh Hóa - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh; Thanh Hóa - Đồng bằng Sông Cửu Long; Thanh Hóa - Hủa Phăn (tuor du lịch Quan Sơn - Viêng Xay); Thanh Hóa - các tỉnh Đông Bắc Thái Lan... Ngoài ra, tỉnh ta cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam như Saigontourist, Vietravel... trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và thu hút du khách về với Thanh Hóa.

Rõ ràng là, liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch là xu hướng đang được nhiều địa phương tiếp cận, đặc biệt là sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động du lịch bị đình trệ. Để khôi phục trở lại, bên cạnh nhiều giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thì việc kết nối các điểm đến, các thị trường khách cũng là một giải pháp được nhiều địa phương tích cực xúc tiến, trong đó có Thanh Hóa. Bởi, việc liên kết giữa các tỉnh, thành không chỉ giúp quảng bá và thu hút khách; mà còn là cơ hội để tỉnh ta tham vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của nhiều địa phương đang nằm trong top đầu của du lịch Việt Nam, ví như Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam hay TP Hồ Chí Minh. Trong đó, những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước; trong khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch; trong định hướng và tầm nhìn phát triển ngành du lịch; trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực... đều hết sức có ý nghĩa đối với tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, sự hợp tác này không dừng lại ở cấp tỉnh, mà nó sẽ tạo ra cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp, hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, trong hợp tác phát triển du lịch, vai trò của chính quyền là đặt nền móng, mang tính định hướng và tạo cầu nối. Còn kết quả hợp tác lại được phản ánh rõ nét thông qua sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp. Bởi thực tế cho thấy, doanh nghiệp là một trong những nhân tố quyết định đến khả năng thu hút khách; đồng thời, doanh nghiệp vừa tham gia vào việc quảng bá hình ảnh điểm đến, vừa là khách hàng “mua” các sản phẩm du lịch của địa phương để “bán” cho du khách. Do đó, sự hài lòng hay ấn tượng đẹp của du khách dành cho điểm đến đều có sự tác động rất lớn của các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, giải trí, mua sắm...

Trong bối cảnh hiện nay, khi ngành du lịch đã phục hồi trở lại và đang đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thì việc liên kết càng cần được chú trọng. Bên cạnh việc liên kết giữa các tỉnh, thành với nhau, thì việc “liên kết nội bộ” giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân, cũng cần được quan tâm. Cơ chế liên kết này cần dựa trên cơ sở chia sẻ cả lợi ích và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, chính quyền các địa phương với doanh nghiệp và người dân cần được tăng cường. Trong đó, để làm điểm tựa cho du lịch phục hồi và tăng trưởng thì vai trò của Nhà nước vẫn là “nhạc trưởng” kiến thiết, kiến tạo cơ chế, chính sách phát triển và nguồn lực. Doanh nghiệp vừa là đối tượng hưởng lợi từ chính sách, vừa là chủ thể đầu tư và khai thác các sản phẩm du lịch. Cộng đồng dân cư cũng vừa là đối tượng thụ hưởng lợi ích từ chính sách phát triển du lịch, vừa là một “đại sứ thiện chí” trong việc nâng cao văn hóa du lịch, tạo nên hình ảnh đẹp, văn minh, thân thiện cho điểm đến du lịch...

Thực tế cho thấy, nhờ các cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt, hiệu quả nên vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được nhiều dự án kinh doanh du lịch quy mô lớn vào Sầm Sơn, Hải Tiến, Nghi Sơn, Quảng Xương, Pù Luông... Bên cạnh đầu tư vào các dự án kinh doanh du lịch, nhiều doanh nghiệp cũng đã chú trọng khâu quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động kết nối, tổ chức các sự kiện gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí, khách du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch... Trong khi đó, môi trường du lịch, gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tích cực. Điều này là nhờ nhận thức của người dân về vai trò của du lịch cũng được nâng lên; văn hóa giao tiếp, ứng xử trong du lịch đang ngày càng văn minh, đúng “chuẩn” hơn.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Việc “đi cùng nhau” trong sự phát triển ngành du lịch giữa địa phương với địa phương, địa phương với doanh nghiệp và người dân, thiết nghĩ cần được tính toán sao cho phù hợp trong bối cảnh ngành du lịch đang tìm lại vị thế sau một thời gian dài bị “đóng băng” và dựa trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/thuc-day-lien-ket-trong-phat-trien-du-lich/180217.htm