Thủ tướng: Làm gì cũng phải hướng đến mục tiêu dân ấm no, đất nước hùng cường
Nhấn mạnh từ giờ tới cuối năm phải làm rất nhiều việc, Thủ tướng nêu rõ: 'Dân phải hạnh phúc, ấm no, đất nước phải hùng cường, giàu mạnh. Làm gì thì làm, phải hướng đến mục tiêu đó'.
Không đặt mục tiêu tăng trưởng vừa phải để dễ phấn đấu
Chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch bổ sung phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số những năm tiếp theo.
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát tình hình thế giới và trong nước từ đầu nhiệm kỳ đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, tác động đến kinh tế - xã hội đất nước.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_30_51478892/80fec994fbda12844bcb.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ.
"Đặc biệt, việc thay đổi lãnh đạo ở địa phương, Trung ương trong nhiệm kỳ này cũng có tác động. Như ở TP.HCM thì đến nay đã thay đổi 3 chủ tịch UBND TP, 5 phó bí thư... Ở một số tỉnh khác cũng vậy", Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với đó, quy mô, độ mở, sự chuyển đổi của nền kinh tế cũng là một thách thức cho những mục tiêu trăm năm mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước đã vượt qua được khó khăn. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã vượt và đạt.
![Toàn cảnh phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_30_51478892/a3a7efcddd8334dd6d92.jpg)
Toàn cảnh phiên họp.
Thủ tướng thông tin, sáng cùng ngày Bộ Chính trị họp để tổng kết việc cải cách bộ máy theo Nghị quyết 18 và nhận định rằng: việc cải cách bộ máy hiện nay được nhân dân đồng tình, ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc nên thực hiện rất nhanh. Trung ương nêu gương và địa phương làm theo. Phương châm hành động là làm từ trên xuống, từ dưới lên, đi từ đơn giản đến phức tạp.
Trong tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của phát triển nhằm đạt mục tiêu trăm năm thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được".
Nhấn mạnh việc không lùi mục tiêu tăng trưởng, ông chia sẻ, từ thời điểm xảy ra bão Yagi, nhiều người khuyên nên giảm mục tiêu tăng trưởng để phấn đấu. Song Thủ tướng trả lời: "Phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, chứ không phải đặt ra mục tiêu vừa phải để phấn đấu cho dễ dàng. Truyền thống dân tộc, văn hóa của chúng ta từ xưa đến nay càng áp lực thì càng nỗ lực, càng khó khăn càng đoàn kết, thống nhất".
Thủ tướng cho biết, vấn đề này đã được báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương vì mục tiêu tăng trưởng 8% (thay vì 6,5-7%) sẽ kéo theo tăng trưởng của nhiều chỉ số, từ thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động.
Tuy đây là một thách thức rất lớn nhưng nếu không đặt mục tiêu như thế, tốc độ bình bình 6-7% thì khó hoàn thành mục tiêu trăm năm.
"Cả nước phải tăng trưởng. Tất cả hành động đều phải vì mục tiêu tăng trưởng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải thực sự khoa học và bản lĩnh trong tổ chức thực hiện
Về các giải pháp, Thủ tướng cho biết cần phải tạo không gian sáng tạo để các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và mọi chủ thể liên quan thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, có thể phải nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp tác chính sách tài khóa, nới rộng tỷ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt trong những năm vừa qua.
Thủ tướng thông tin, mới đây, ngành ngân hàng báo cáo dư nợ tín dụng của quốc gia hiện là 14,7 triệu tỷ đồng. Số dư nợ này phải được đưa vào nền kinh tế để phục vụ phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề cập đến giải pháp thúc đẩy đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào tháo gỡ lúc đó, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết".
![Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đẩy mạnh ba đột phá chiến lược theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào tháo gỡ lúc đó, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_30_51478892/5d750f1f3d51d40f8d40.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đẩy mạnh ba đột phá chiến lược theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào tháo gỡ lúc đó, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết".
Đối với đột phá hạ tầng, ngoài hạ tầng số, hạ tầng y tế giáo dục, xã hội, Thủ tướng đề cập đến các hạ tầng chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai kết nối với Trung Quốc, châu Âu; các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM.
Theo Thủ tướng, đường sắt là hình thức vận tải dung hòa giữa vận tải đường biển (chi phí rẻ nhưng lâu nếu phải đi vòng) và đường hàng không (nhanh nhưng chi phí đắt).
Các nước trên thế giới phát triển đường sắt rất mạnh. Hiện nay chúng ta đã có đủ điều kiện thì cần phải làm và làm thật nhanh.
Với dự án đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường và làm sao để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, huy động vốn hợp lý.
Để thực hiện dự án này, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thay mặt Chính phủ trình chủ trương đầu tư dự án này với một số nguyên tắc quan trọng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.
Lấy ví dụ về cơ chế đặc thù trong đấu thầu, Thủ tướng cho biết nếu cứ ngồi đấu thầu tư vấn, giám sát, thi công thì mất rất nhiều thời gian. Vì vậy đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù để có thể làm nhanh để giảm chi phí, không đội vốn. Song song đó, cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định cần phải phát triển đường sắt đô thị và Hà Nội, TP.HCM rất quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện.
Về nhân lực, Thủ tướng cho rằng phải đột phá để đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua thúc đẩy động lực tăng trưởng mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được triển khai rất quyết liệt. Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã thể chế hóa các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
"Chúng ta làm nhưng không làm liều, làm có cơ sở khoa học, thực tiễn trên cơ sở là dư địa phát triển được tạo ra. Làm nhanh hay chậm, hiệu quả hay không là tùy thuộc chúng ta", Thủ tướng nói.
Dẫn chứng từ việc triển khai đường dây 500kV mạch 3 chỉ thực hiện 6 tháng, so với trước đây làm mất 3-4 năm; dự án sân bay Long Thành tổ chức làm hiệu quả trong 2 năm gần đây, hay việc đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh tổng nguồn điện không thay đổi, Thủ tướng chỉ ra việc tổ chức thực hiện cần phải khoa học và phải thực sự bản lĩnh.
"Không phải chỉ trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương phải cùng làm. Tóm lại, phải đoàn kết nhất trí. Đã thống nhất thì chỉ bàn làm, không bàn lùi. Tất cả vì sự phát triển, tương lai của đất nước. Muốn tăng trưởng hai con số, thực hiện được mục tiêu trăm năm thì phải nỗ lực", Thủ tướng nói.
Cán bộ cấp huyện về xã phường cũng là vì nhân dân
Một trong những giải pháp khác Thủ tướng đề cập là phải cải cách bộ máy, nâng cao hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin-cho.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chỉ cần bỏ một cấp đi là giảm được thủ tục hành chính. Cộng với áp dụng số hóa, nâng cao hiệu lực hiệu quả thì đơn giản hóa được các thủ tục còn lại.
Lấy ví dụ về việc bỏ công an cấp huyện, Thủ tướng cho biết một huyện có trên dưới 100 nhân sự công an, khi bỏ cấp huyện, tổ chức lại thì một số sẽ được điều lên tỉnh, đa số còn lại thì xuống cơ sở vì "việc gì chẳng xảy ra ở cơ sở".
"Nếu nói là vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân thì dân ở đâu - dân ở cơ sở, xã, phường. Việc cải cách bộ máy lần này, kể cả bộ máy của Đảng là để phục vụ cho phát triển.
Dân phải hạnh phúc, ấm no, đất nước phải hùng cường, giàu mạnh. Làm gì thì làm, phải hướng đến mục tiêu đó. Từ giờ tới cuối năm phải làm rất nhiều việc", Thủ tướng nói.