Thu lãi 600 triệu đồng/năm từ nghề sản xuất gỗ bóc

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, ông Lê Văn Điều, thôn Phú Cường, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch đã khai thác lợi thế ở địa phương để trồng rừng và sản xuất, chế biến gỗ ván bóc. Từ một gia đình kinh tế khó khăn, nhưng với ý chí vươn lên, đến nay, ông Điều đã trở thành chủ xưởng sản xuất gỗ ván bóc có hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ông Lê Văn Điều, thôn Phú Cường, xã Hợp Lý phát triển kinh tế hiệu quả từ nghề sản xuất gỗ bóc

Nhận thấy xã Hợp Lý và các địa phương lân cận có diện tích rừng trồng lớn, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, thích hợp với việc sản xuất gỗ ván bóc, nên từ năm 2018, ông Điều quyết định vừa duy trì diện tích trồng rừng của gia đình vừa đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng để sản xuất, chế biến gỗ ván bóc công nghiệp.

Thời gian đầu, ông Điều gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý nhà xưởng, kỹ thuật chế biến gỗ hạn chế do tay nghề công nhân còn yếu và thị trường chưa ổn định.

Thế nhưng, ông xác định, đã bỏ số vốn lớn làm ăn thì dù khó khăn, trở ngại nào cũng phải cố gắng làm bằng được, vì vậy, ông không ngại vất vả đi tham quan, học hỏi ở các xưởng chế biến gỗ lớn ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong nghề.

Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, ông tự tay kiểm tra máy móc và từng lô gỗ mới nhập về, nếu gỗ tốt, đạt chuẩn mới cho công nhân sản xuất. Quá trình sản xuất thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của đối tác... từ đó sản phẩm gỗ bóc ngày càng đạt chất lượng cao, tạo uy tín, niềm tin với khác hàng.

Xưởng sản xuất gỗ ván bóc hoạt động ngày càng hiệu quả, ông Điều mở rộng diện tích xưởng lên trên 1.000m2, đầu tư thêm 3 máy bóc, máy tu, máy cắt và 6 xe ô tô chở gỗ.

Ngoài việc chế biến gỗ từ rừng trồng của gia đình, ông thu mua gỗ nguyên liệu, chủ yếu là bạch đàn, keo, mỡ của người dân địa phương, góp phần tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Không chỉ dừng lại ở đó, vào những thời kỳ cao điểm, để đủ nguyên liệu sản xuất đáp ứng các đơn hàng, ông Điều còn thu mua thêm gỗ ở các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Phú Thọ.

Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất gỗ của ông Điều chế biến, xuất bán trên 300m3 gỗ, ván bóc, tạo việc làm cho 12 lao động trong vùng với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhờ biết cách quản lý nhà xưởng, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường và giữ chữ tín nên xưởng sản xuất, chế biến gỗ của ông Điều được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ đến đó.

Sản phẩm gỗ bóc của ông được xuất đi rất nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia cùng một số thị trường khác. Từ nghề trồng rừng và chế biến gỗ bóc, trung bình mỗi năm, trừ mọi chi phí ông Điều thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng.

Cùng với mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ bóc, tận dụng lợi thế vườn đồi rộng của gia đình, ông Lê Văn Điều còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại rộng 600m2 để chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt theo hướng bán công nghiệp. Hiện nay, gia trại của ông có 10 nái lợn và hơn 100 con lợn bột, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi đều đạt hơn 100 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Lý Nguyễn Văn Tú cho biết: Mô hình sản xuất, chế biến gỗ bóc và chăn nuôi lợn của ông Lê Văn Điều là một trong những điển hình phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế đồi rừng ở địa phương.

Không chỉ vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi, ông Lê Văn Điều còn là hội viên nông dân gương mẫu, thường xuyên đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và góp sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương nên ông Điều được người dân cảm phục, yêu quý.

Bài, ảnh Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78840/thu-lai-600-trieu-dongnam-tu-nghe-san-xuat-go-boc.html