Thu hút người tài nhưng phải có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc

Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần quy định rõ là vị trí tuyển dụng hay thu hút và làm việc, thậm chí là bổ nhiệm. Đồng thời, cần quy định rõ là thủ tục, trình tự, làm thế nào từ việc thu hút, tuyển dụng tới việc sử dụng, quản lý họ và giữ chân được họ.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Đối tượng thu hút được mở rộng

Trao đổi với phóng viên Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách rất quan trọng trong 9 nhóm chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện như sau:

Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP Hà Nội quy định.

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội.

Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô với chế độ đãi ngộ phù hợp do HĐND TP Hà Nội quy định.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo Luật quy định: ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn; hỗ trợ từ ngân sách của TP Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô học tập tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài; hỗ trợ hình thành các trung tâm Quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP Hà Nội.

Hà Nội tuyên dương 96 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2023. Ảnh: Khánh Huy

Quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao

Trong Điều 16 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có đề cập đến chính sách về ưu tiên và làm sao để trọng dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó có điểm rất quan trọng về thể chế là phân quyền cho HĐND TP quy định chi tiết nội dung Điều 16.

Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên nhìn nhận, chúng ta có chính sách chung của cả nước, nhưng riêng với Thủ đô, với vị thế đặc biệt, trái tim của cả nước, Thủ đô phát triển thì cả nước cũng sẽ đồng hành phát triển. Việc phân quyền cho Hà Nội có những chính sách vượt trội, đặc thù để làm sao thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng trọng dụng được họ, giữ chân được họ lâu dài với sự phát triển của Thủ đô là điểm được bà đánh giá rất cao của nội dung chính saách trong dự thảo Luật lần này.

Để các chính sách thật sự hoàn thiện, đầy đủ, và được thực thi hiệu quả, Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, đầu tiên phải quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao là như thế nào, Hà Nội có thể đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn so với các tỉnh, TP khác là bình thường bởi vị thế của Hà Nội, yêu cầu, nhiệm vụ của sự phát triển của đội ngũ nhân lực của Hà Nội cũng đòi hỏi cao hơn.

Ngoài ra, cần quy định rõ là vị trí tuyển dụng hay thu hút và làm việc, thậm chí là bổ nhiệm, không chỉ trong khu vực công, mà cả người có tài năng vượt trội của khu vực tư cũng có thể được tuyển dụng, thu hút vào khu vực công. Đồng thời, cần quy định rõ là thủ tục, trình tự, làm thế nào từ việc thu hút, tuyển dụng tới việc sử dụng, quản lý họ và giữ chân được họ. Trong chính sách thu hút cũng đặt những quy định về môi trường làm việc phù hợp để người tài phát huy được năng lực của mình.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thu-hut-nguoi-tai-nhung-phai-co-co-che-danh-gia-hieu-qua-cong-viec-380314.html