Thu hút đầu tư PPP: Cần có cơ chế linh hoạt, khơi thông nguồn lực tư nhân
Chiều 17/5, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật PPP theo hướng cởi mở, linh hoạt nhằm khơi thông nguồn lực tư nhân.
Cần đánh giá tổng thể Luật PPP
Góp ý vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sửa đổi, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Quảng Nam chia sẻ, thời gian qua, chúng ta chưa phát huy được hiệu quả của Luật PPP.
Đại biểu đặt câu hỏi, tại sao thời gian qua không phát huy hiệu quả? Có đoạn đường tưởng thu hút được đông lưu lượng phương tiện giao thông tham gia nhưng không có nhà đầu tư trong nước, quốc tế tham gia.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Quảng Nam
Đại biểu đề nghị, cần phải xem xét lại về hành lang pháp lý, cụ thể là Luật PPP, để khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân được cho là rất quan trọng đối với nền kinh tế.
“Hiện, các tuyến đường đang khai thác khi thực hiện PPP cải tạo, nâng cấp, mở rộng thì không thu phí. Chính phủ đang đề nghị bỏ quy định “không thu phí”, muốn thu hút được các nhà đầu tư PPP vào sửa chữa, cải tạo, phải cho thu phí để các nhà đầu tư có cơ hội thu hồi lại vốn đầu tư. Có như vậy, chúng ta mới có đường đẹp để đi” - đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thu phí ở mức độ nào, thời gian bao lâu để không làm tăng gánh nặng phí và lệ phí của người dân và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Do vậy, đại biểu đề xuất, cần có quy định chặt chẽ, tăng cường công tác trao đổi, lấy ý kiến của nhân dân để chúng ta có những quy định điều chỉnh cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Bình Dương chia sẻ: Nhìn sang các nước xung quanh như Hàn Quốc, Philippines thu hút PPP rất mạnh và phát triển cực thịnh, còn của chúng ta tại sao không được?
“Khi tôi trao đổi với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản…, thấy rằng ở các nước thu hút được PPP, nhà nước có chính sách đảm bảo doanh thu tối thiểu.
Đơn cử, khi doanh nghiệp vào đầu tư, Chính phủ cam kết một mức doanh thu tối thiểu. Trong trường hợp nhà đầu tư không đạt mức doanh thu tối thiểu đó, nhà nước sẽ bù phần thiếu hụt” - đại biểu Huân cho hay.
Bổ sung quy định chuyển tiếp
Ở góc nhìn khác, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý vào nội dung liên quan đến Điều 6 dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi quy định về nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “và hàng năm” để quy định rõ hơn rằng, nợ đọng là khối lượng đã nghiệm thu nhưng chưa được đưa vào cả kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch năm nhằm đảm bảo kiểm soát và không bỏ sót nghĩa vụ chi trả trong quá trình điều hành ngân sách.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu
Ngoài ra, Điều 37 và khoản 4 Điều 103 của Luật Đầu tư công quy định chuyển tiếp chưa quy định rõ thẩm quyền dừng chủ trương đầu tư đối với các dự án được quyết định trước ngày có hiệu lực.
Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chuyển tiếp để xác định rõ thẩm quyền dừng chủ trương đầu tư đối với dự án đã phê duyệt trước, đặc biệt đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Trước khi tiến hành thảo luận tại tổ, sáng nay (17/5) Quốc hội đã lắng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, đối với Luật PPP, dự thảo Luật cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; Bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với dự án PPP khoa học, công nghệ có doanh thu thực tế thấp hơn 50% so với doanh thu dự kiến; Sửa đổi cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ chia sẻ.
Đặc biệt là quy định mở rộng chỉ định nhà đầu tư (bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với một số trường hợp) và bổ sung hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ...