Thỏa thuận về Dòng chảy phương Bắc 2: Kết thúc 'trò chơi' kéo dài và 'thắng lợi ngọt ngào' của Nga
Báo Thời đại (Die Zeit) của Đức ngày 22/7 đăng bài phân tích về phản ứng của Moscow đối với thỏa thuận Mỹ-Đức, liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Sream 2).
Niềm vui cho Tổng thống Putin
Bài báo cho hay, một "trò chơi" kéo dài mà kết quả cuối cùng đã mang lại niềm vui cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của nước này.
Nhờ các kỹ năng đàm phán của Thủ tướng Đức Angela Merkel và mong muốn của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc khôi phục quan hệ song phương Mỹ-Đức, giờ đây Nga có thể hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2 mà không đối mặt với bất kỳ khó khăn nào.
Thỏa thuận Đức-Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được Nga mong đợi từ lâu. Trong quan điểm của Nga, việc Thủ tướng Merkel đích thân gọi điện cho Tổng thống Putin để thông báo về thỏa thuận này có thể coi là một "thắng lợi ngọt ngào" về mặt ngoại giao.
Sau khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, các nhà phân tích ở Moscow dự đoán, việc ngăn chặn đường ống dẫn khí này không còn là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Washington nữa.
Cũng trong thời gian này, Nga đã tăng cường hiện đại hóa các tàu chuyên dụng phục vụ dự án của mình bằng các công nghệ tiên tiến của phương Tây. Cơ sở dữ liệu hải quan của Nga cho thấy, các công ty từ Hà Lan và Italy đã chuyển giao nhiều bộ phận quan trọng trong các tàu này cho phía Nga.
Bất chấp các lệnh trừng phạt đã được ban hành và đang có hiệu lực, Washington đã không ngặn chặn điều này. Cuối cùng, ông Joe Biden cũng đã dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vào tháng Năm vừa qua.
Washington cho rằng, dự án này gần như đã hoàn thành, do đó các biện pháp trừng phạt sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng đối với quan hệ Mỹ-Đức.
Ông Matthias Warnig, Trưởng Ban kiểm soát dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức và là bạn thân của ông Putin, cũng không còn nằm trong danh sách trừng phạt.
Mối quan ngại duy nhất không còn
Cũng theo bài báo, trên thực tế, thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ và Đức, trong đó hai nước thống nhất sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt nếu Nga sử dụng khí đốt của mình như một công cụ để gây áp lực về chính trị, không làm cho Moscow lo lắng.
Điều này một phần cũng là do Moscow không quá bận tâm đến các biện pháp trừng phạt này. Một mặt, nếu muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt thì cần phải được sự nhất trí ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU). Mặt khác, từ lâu Moscow đã quá quen với những lời đe dọa trừng phạt như vậy.
Theo quan điểm của Nga, việc yêu cầu Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành là vấn đề nghiêm trọng hơn. Sự chậm trễ hoàn thành dự án này đã buộc tập đoàn Gazprom phải đàm phán hợp đồng mới với Kiev hồi cuối năm 2019.
Theo hợp đồng có hiệu lực đến đến năm 2024 này, tập đoàn của Nga sẽ phải trả tiền cho việc vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống trên lãnh thổ Ukraine, ngay cả khi họ không sử dụng chúng.
Điều này làm cho phía Nga phải gánh thêm chi phí khoảng 1,5 tỷ Euro mỗi năm.
Việc gia hạn hợp đồng vận chuyển hiện tại qua Ukraine thêm 10 năm như thỏa thuận Merkel-Biden tất nhiên sẽ làm giảm lợi nhuận kinh tế của dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Nhưng gần như, Nga không ngại bất kỳ khoản chi phí tăng thêm nào, miễn là dự án quan trọng của họ có thể hoàn thành. Chỉ riêng việc chậm trễ hoàn thành dự án này đã làm chi phí xây dựng tăng lên khá nhiều so với kế hoạch 9 tỷ Euro ban đầu.
Lợi thế đàm phán
Hiện chưa rõ hợp đồng mới giữa Nga và Ukraine sẽ như thế nào, nhưng rất có thể hợp đồng này sẽ mang lại cho Ukraine lợi ích hạn chế hơn nhiều so với hợp đồng hiện tại.
Về mặt lý thuyết, Berlin và Washington có thể hứa hẹn sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine, nhưng một đường ống bổ sung quan trọng như Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn sẽ mang lại cho Nga nhiều lợi thế đàm phán hơn bao giờ hết.
Để giảm áp lực cho Ukraine, các cuộc đàm phán về hợp đồng mới không nên diễn ra cho đến trước khi kết thúc hợp đồng hiện tại, mà nên bắt đầu sớm nhất là từ tháng 9 tới. Gần như chắc chắn cuộc đàm phán này sẽ khó có thể diễn ra suôn sẻ.
Các chính trị gia từ đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đã tuyên bố rằng, Nga sẽ không cho phép ai can thiệp vào các cuộc đàm phán sắp tới với Ukraine.
Nhiều dấu hiệu cho thấy, cuối cùng Ukraine sẽ nhận được ít lợi nhuận hơn cho việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Do đó, việc chính quyền Kiev và các nhà điều hành mạng lưới khí đốt Ukraine không tin tưởng các cuộc đàm phán giữa Berlin và Washington là điều đương nhiên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskij đã hy vọng, Chính quyền ông Biden sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn.
Thỏa thuận Mỹ-Đức về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được đưa ra vào thời điểm các tàu của Nga đã hoàn thành lắp đặt 3/4 đoạn đường ống còn lại trong tổng số gần 200 km cuối của dự án. Điểm đáng lưu ý là dự án dự kiến sẽ được hoàn thành trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel - một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của dự án - rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử vào tháng 9/2021.