Thỏa thuận quốc tế chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên ký kết

Sáng 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Sáng 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT), cho biết, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế.

So với Pháp lệnh 2007, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mở rộng thêm quy định về việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp huyện, xã; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Luật không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (ảnh: Quốc hội)

Theo Dự thảo Luật, thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức không được ký kết thỏa thuận quốc tế ràng buộc Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó”, qua đó khẳng định thỏa thuận quốc tế chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên ký kết.

Báo cáo thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban thẩm tra cho rằng hồ sơ dự án Luật TTQT đã được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Nhiều ý kiến tán thành việc quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng không được trùng lắp với các nguyên tắc ký kết, thực hiện TTQT.

Tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật có một số nội dung trùng lắp, mâu thuẫn với các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 dự thảo Luật. Mặt khác, việc quy định cả điều khoản “không được” và điều khoản “cấm” trong dự thảo là không rõ ràng về mặt pháp lý, gây nên sự trùng lắp và thiếu nhất quán. Do đó, các ý kiến đề nghị thể hiện nội dung này tại một điều luật.

Dự thảo Luật chỉ quy định về trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện TTQT, chưa quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện TTQT, các nội dung này đã được quy định tại Pháp lệnh ký kết và thực hiện TTQT năm 2007.

Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định có liên quan của Pháp lệnh này, đồng thời bổ sung quy định TTQT có thể chấm dứt theo quy định của TTQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thoa-thuan-quoc-te-chi-lam-phat-sinh-quyen-va-nghia-vu-giua-cac-ben-ky-ket-194124.html