Thổ Nhĩ Kỳ chịu thêm nhiều sức ép

Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu sức ép từ nhiều phía sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự 'Mùa xuân hòa bình' ở phía Bắc Syria vào ngày 9-10. Trong khi đó, sau 7 năm, Chính phủ Syria trở lại miền Bắc nước này.

Tái ông mất ngựa

Quân đội Syria ngày 14-10 đã tiến vào thị trấn Tal Tamr, phía Đông Bắc Syria do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát.

Theo Sputnik, lực lượng Syria Dân chủ (SDF) tối 13-10 cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Syria, theo đó quân đội Syria đưa quân đội tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để giúp người Kurd đẩy lùi cuộc tấn công của Ankara.

Từ lâu, những người Kurd từng theo Mỹ chống lại Chính phủ Syria và cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nay trở lại bắt tay với Chính phủ Syria. Thỏa thuận này diễn ra sau 3 ngày đàm phán do Nga làm trung gian giữa Chính phủ Syria và SDF, cho thấy SDF không còn tin tưởng vào Mỹ, đồng minh chính của họ 5 năm qua trong cuộc chiến chống IS.

Thỏa thuận sẽ đưa các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad trở lại các thị trấn và thành phố nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd trong 7 năm qua. Các nhân chứng cho biết tiếng súng ăn mừng đã nổ ra ở một phần của thị trấn Qamishli, phía Bắc Syria khi quân tiếp viện của quân đội Syria tiến vào sân bay địa phương.

Cùng thời điểm trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xuất hiện trên truyền hình CBS thông báo Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút 1.000 quân Mỹ cuối cùng ở Đông Bắc Syria.

Badran Jia Kurd, một quan chức cấp cao người Kurd, cho biết người Kurd cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang tìm sự giúp đỡ của Damascus vì: “Tất cả chúng tôi đều là người Syria và chế độ cũng là người Syria. Người Mỹ đã phản bội chúng tôi. Chúng tôi không tin tưởng họ nữa”.

Nguy cơ tù nhân IS trốn thoát

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ làm tăng vấn đề trốn thoát của 2.000 chiến binh thánh chiến nước ngoài tham gia IS bị giam giữ trong các nhà tù do SDF kiểm soát.

Theo báo Le Monde, 6 quốc gia châu Âu đang đẩy nhanh các cuộc thảo luận với Iraq để chuyển họ tới Iraq.

Mỹ trước đó đã di dời các nghi phạm IS quốc tịch Mỹ khỏi miền Bắc Syria. Các quan chức tình báo Iraq nói với AP rằng Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch bàn giao cho Baghdad khoảng 50 chiến binh IS chưa xác định được quốc tịch.

Những nơi giam giữ bị bắn phá hoặc bị bỏ hoang do người Kurd lo chiến đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến khả năng trốn thoát của các tù nhân IS. Các quốc gia như Đức, Pháp, Italy, Anh, Bỉ không muốn đưa họ trở lại nước mình nhưng vẫn xem họ là công dân. Các cuộc đàm phán đang diễn ra để quyết định số phận của các tay súng IS quốc tịch nước ngoài.

Chính phủ Pháp vẫn kín đáo thảo luận trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó trẻ em mồ côi hoặc dễ bị tổn thương có thể được hồi hương, người lớn phải bị giam giữ và xét xử tại chỗ. Khoảng 400 - 500 công dân Pháp đang nằm trong tay người Kurd, trong đó khoảng 100 người là đàn ông, phần còn lại là phụ nữ và đặc biệt là trẻ em trong các trại.

Vào mùa đông năm 2018, Thụy Điển và Hà Lan đã chủ động thúc đẩy việc tạo ra trên lãnh thổ của Iraq một khu vực tài phán quốc tế có khả năng đảm bảo các phiên tòa công bằng cho các chiến binh thánh chiến nước ngoài.

Theo CNN, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết đang hợp tác với Quốc hội Mỹ nơi đảng Cộng hòa và Dân chủ đang thúc đẩy các lệnh trừng phạt kinh tế chống Thổ Nhĩ Kỳ. Kho bạc Mỹ đã sẵn sàng thực thi các biện pháp cấm vận. Các nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một dự luật hồi tuần trước sẽ trừng phạt các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chiến dịch quân sự tại Syria và các ngân hàng liên quan đến chiến dịch này. Châu Âu và Mỹ cũng đã và đang áp dụng lệnh cấm vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tho-nhi-ky-chiu-them-nhieu-suc-ep-622506.html