Thị trường tư nhân có thể đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng của châu Á

Hàng tỷ USD đổ vào các thị trường tư nhân có thể là câu trả lời cho nhu cầu chuyển đổi năng lượng của châu Á, trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ổn định do năng lượng tái tạo mang lại. Tuy nhiên, những ưu đãi hoặc chính sách tốt hơn có thể đóng vai trò cần thiết.

 Nhà máy điện gió Bạc Liêu ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhà máy điện gió Bạc Liêu ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ảnh minh họa: TTXVN

“Gần như mọi nguồn quỹ mới mà chúng tôi ghi nhận được huy động vào thời điểm hiện tại đều là quỹ chuyển đổi năng lượng. Làn sóng vốn và nhu cầu là vô cùng lớn”, ông Mark Stulic, đối tác tại Công ty thị trường tư nhân StepStone Group cho biết.

Phạm vi đầu tư toàn cầu của StepStone Group cho thấy, hơn 180 quỹ thị trường tư nhân đang huy động và triển khai vốn cho các lĩnh vực như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ pin, thủy điện, lưu trữ carbon, nhiên liệu sinh học và các giải pháp hydrogen; với các hoạt động được hỗ trợ bởi cả chính phủ và nhu cầu của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Todd Lapenna, một đối tác khác của StepStone Group nói thêm: “Tổng vốn trong các chiến lược tái tạo, chuyển đổi và bền vững chuyên dụng là hơn 200 tỷ USD, được đo lường dựa trên nhu cầu vốn ước tính toàn cầu ở mức hơn 4 nghìn tỷ USD”.

“Có hoạt động đáng kể trên khắp các châu lục đông dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, cũng như quá trình chuyển đổi từ năng lượng nhiệt thông thường sang các giải pháp xanh”, ông Todd Lapenna lưu ý.

Đến năm 2050, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) ước tính, chi tiêu riêng cho việc sản xuất năng lượng tái tạo có thể đạt 1,4 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, vốn tư nhân đã nhận thấy sự hấp dẫn ngày càng tăng của quá trình chuyển đổi năng lượng như một chủ đề đầu tư. Brent Burnett, người đứng đầu cơ sở hạ tầng và tài sản thực tại nhà cung cấp giải pháp đầu tư thị trường tư nhân Hamilton Lane cho rằng, lợi nhuận vốn đã ổn định và hiện đang được cải thiện.

“Sự ổn định của các chuỗi cung ứng trong vài năm qua và công nghệ cải tiến đã dẫn đến chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) thấp hơn, khiến việc triển khai năng lượng tái tạo không được trợ cấp ngày càng trở nên hấp dẫn”, ông Brent Burnett nhận định.

Tuy nhiên, hầu hết số tiền đang được huy động và triển khai tại các thị trường trưởng thành hơn ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, đang trong giai đoạn phát triển “sơ khai”, vì vậy khối lượng giao dịch tương đối nhỏ, mặc dù khu vực này được kỳ vọng sẽ là “thị trường tăng trưởng quan trọng”.

Ngoài những khó khăn vốn có của bất kỳ thị trường non trẻ nào, ông Brent Burnett cho rằng, mỗi nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đều là những nền kinh tế đa dạng, với những thông lệ, luật và quy định riêng vẫn đang được hoàn thiện.

Đáng chú ý, ông Mark Stulic cho rằng, tin tốt cho các nhà đầu tư là các chính phủ đang cố gắng thúc đẩy đầu tư và mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhiều chính phủ xem cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo là nguồn tạo việc làm, Minal Patel, đối tác và người đứng đầu thị trường tư nhân tại Công ty quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng tái tạo Schroders Greencoat nói thêm.

Mặc dù vậy, sự quan tâm của nhà đầu tư có tính chọn lọc và mạnh nhất ở những phần của chuỗi cung ứng năng lượng có mức độ rủi ro thấp hơn, điều đó có nghĩa là các chính phủ có thể cần đưa ra biện pháp hỗ trợ cho một số dự án nhất định… Qua đó, ông Todd Lapenna nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng hỗ trợ chính sách kết hợp với các sáng kiến carbon của doanh nghiệp và triển khai công nghệ sẽ tiếp tục cung cấp số lượng tài sản và nền tảng có thể đầu tư đáng kể và ngày càng tăng”.

THANH NGÂN (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/thi-truong-tu-nhan-co-the-dap-ung-nhu-cau-chuyen-doi-nang-luong-cua-chau-a-140832.html