Thế giới FAO: Rác thải thực phẩm là một vấn đề toàn cầu
TTH - Trong lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm giảm lượng thực phẩm bị lãng phí, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, tình trạng thiếu lương thực, đói và suy dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới.
Thế giới đã lãng phí 17% tổng lượng thực phẩm trong năm 2019. Ảnh minh họa: biocycle.net/TTXVN
Lời kêu gọi được đưa ra khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của LHQ chỉ ra rằng, ước tính khoảng 931 triệu tấn thực phẩm, tương đương 17% tổng lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong năm 2019 đã bị vứt bỏ. Bên cạnh đó, do đại dịch COVID-19, có thêm 132 triệu người hiện phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng, FAO lưu ý nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm (29/9).
Bà Nancy Aburto, Phó Giám đốc phụ trách mảng thực phẩm và dinh dưỡng, Bộ phận Phát triển kinh tế và xã hội của FAO nhận định, vấn đề rác thải thực phẩm là một vấn đề toàn cầu và không chỉ giới hạn ở những quốc gia giàu có. Tình trạng mất an ninh lương thực, đói và suy dinh dưỡng đang tác động đến mọi quốc gia trên thế giới, và không quốc gia nào là không bị ảnh hưởng; 811 triệu người bị đói, 2 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng, và hàng triệu trẻ em còi cọc và ốm yếu, mắc các dạng suy dinh dưỡng nguy hiểm.
Cũng theo FAO, các quốc gia cần áp dụng sự đổi mới để giảm lãng phí, chẳng hạn như bao bì mới có thể giúp kéo dài thời hạn sử dụng của nhiều loại thực phẩm, trong khi các ứng dụng điện thoại thông minh có thể đưa người tiêu dùng đến gần hơn với nhà sản xuất, giúp rút ngắn thời gian giữa thu hoạch và tiêu thụ.
Qua đó, việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ cải thiện các hệ thống nông sản thực phẩm, giúp đạt được an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm, mang lại kết quả dinh dưỡng; đồng thời sẽ đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính, cũng như áp lực lên các tài nguyên đất và nước.