Thầy Thiện tâm huyết với học trò Giẻ Triêng

Bằng tình yêu nghề, 28 năm qua, thầy giáo Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 1968) đã vượt qua bao khó khăn, dành cả tuổi xuân của mình để dạy chữ cho học sinh là con em đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1996, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng, thầy Nguyễn Văn Thiện tình nguyện đến huyện Phước Sơn (cách nhà 160km) tham gia giảng dạy tại Trường Tiểu học liên xã Chánh Công (xã Phước Chánh). Nhớ lại những ngày đầu đến nhận công tác, thầy Thiện cho biết: “Khi quyết định tình nguyện công tác xa nhà, tôi cũng có nhiều băn khoăn. Nhưng đặt chân đến mảnh đất Phước Chánh, thấy nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của mình, từ đó, tôi quyết tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng đất này”.

Một tiết học của các em học sinh đồng bào Giẻ Triêng với thầy Nguyễn Văn Thiện.

Một tiết học của các em học sinh đồng bào Giẻ Triêng với thầy Nguyễn Văn Thiện.

Ngày nhận công tác tại Trường Tiểu học liên xã Chánh Công, trở ngại lớn nhất đối với thầy Thiện là sự bất đồng ngôn ngữ, bởi hơn 90% học sinh nhà trường là con em đồng bào Giẻ Triêng. Các em chỉ sử dụng tiếng Việt với giáo viên khi cần thiết, còn lại thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Việc này cản trở không nhỏ đến hiệu quả giảng dạy, truyền tải kiến thức cho học sinh. “Không những bất đồng về ngôn ngữ, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, trình độ dân trí thấp nên phụ huynh hầu như ít quan tâm đến chuyện học hành của con, nhiều em buổi học, buổi nghỉ, thậm chí nghỉ học ngắt quãng rồi mới quay trở lại trường học”, thầy Thiện cho biết.

Với mong muốn mang cái chữ đến với các em học sinh để hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn, đầu tiên, thầy Thiện tìm cách phá bỏ rào cản ngôn ngữ để rút ngắn khoảng cách với học sinh. Đều đặn mỗi ngày, cứ sau giờ lên lớp, thầy Thiện cắp sách đi học tiếng của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Để nói được một cách thành thạo, thầy cũng theo chân những đứa trẻ về nhà, một phần để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em, phần để luyện thêm về ngôn ngữ mới. Chẳng thế mà lớp học có hơn 30 em học sinh, thầy Thiện đều nhớ hết hoàn cảnh của từng em. Khi đã xóa được rào cản về ngôn ngữ với học sinh, thầy Thiện lại trăn trở làm cách nào giúp các em yêu thích, đọc, nói tiếng Việt một cách trôi chảy. Việc này đòi hỏi thầy phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để tìm ra phương pháp, áp dụng phù hợp với mỗi học sinh.

Thầy Thiện đã đưa ra nhiều sáng kiến hay, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Để các em tiếp thu, sử dụng thành thạo tiếng Việt, thầy Thiện cùng với các thầy, cô giáo trong trường chủ động đưa các trò chơi như “ong tìm chữ”, “hái quả”, “săn tìm chữ cái” theo chủ đề gắn với tiếng Việt để học sinh tham gia. Nếu như trước đây, khi chưa thông thạo tiếng Việt, học sinh của thầy Thiện rất rụt rè, nhút nhát, không tự tin thì giờ các em đã có thể bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu của mình, biết hỏi thầy những điều còn chưa rõ, qua đó tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học cũng giảm dần, các em đến trường đều đặn, thường xuyên hơn.

Suốt 28 năm qua, tình yêu thương học trò đã giúp thầy Nguyễn Văn Thiện luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, đóng góp không nhỏ vào việc mang cái chữ đến với con em đồng bào Giẻ Triêng ở vùng đất Phước Chánh còn nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thay-thien-tam-huyet-voi-hoc-tro-gie-trieng-777988