Tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS được tạo ra vào giữa những năm 1980 vào lúc "hoàng hôn" của Chiến tranh Lạnh và được đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ đầu năm 1991.
Đáng chú ý, sự ra đời của tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 đúng thời điểm diễn ra cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo chống lại Iraq của thời Tổng thống Saddam Hussein.
Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tên lửa tầm xa ATACMS đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến do Mỹ ở Afghanistan và Iraq vào những năm 2000.
MGM-140 ATACMS tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Khoảng 32 đạn tên lửa đã được phóng từ bệ phóng M270.
Trong chiến dịch Tự do Iraq năm 2003, hơn 450 tên lửa MGM-140 ATACMS đã được Mỹ bắn vào quân đội Iraq gây thiệt hại nghiêm trọng góp phần dẫn đến sự sụp đổ của quân đội nước này.
MGM-140 ATACMS là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật được Tập đoàn Lockheed Martin phát triển dành cho quân đội Mỹ và một số nước đồng minh.
Tên lửa đạn đạo MGM-140 ATACMS có tầm bắn từ 150 - 300 km tùy biến thể.
Tên lửa này có thể được triển khai trên nhiều nền tảng khác nhau đa phần là các phương tiện cơ giới mặt đất với các biến thể như pháo phản lực M270 MLRS hay HIMARS.
Dù có kích thước khá lớn cùng hình dáng bên ngoài khá đặc biệt nhưng trên thực tế mỗi hệ thống M270 MLRS chỉ có thể mang theo 2 tên lửa MGM-140 ATACMS, con số này trên HIMARS chỉ có 1.
Sau khi được đưa vào trang bị, Lockheed Martin tiếp tục phát triển dự án ATACMS với việc cho ra đời các biến thể tiếp theo của MGM-140 gồm: MGM-140B - Block IA, MGM-164 ATACMS - Block II và MGM-168 ATACMS - Block IVA.
Mỗi biến thể được phát triển dành cho từng loại nhiệm vụ khác trong đó MGM-168 ATACMS - Block IVA sở hữu tầm bắn xa nhất lên đến 300km với khả năng mang theo một đầu đạn nổ cực mạnh, nặng 230kg.
Đạn tên lửa MGM-140 ATACMS nặng 1,6 tấn, dài 4m, đường kính thân 610 mm, có thể mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau bao gồm cả các loại đầu đạn phân mảnh có khả năng gây sát thương trên diện rộng.
Ngoài ra tên lửa này có thể trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 15-25 kt.
Tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu và dẫn đường quán tính cho độ chính xác cực cao.
Gần đây Mỹ đang tái khởi động chương trình chế tạo phiên bản mới của loại tên lửa này có tầm phóng lên tới 500 km.
Bên cạnh quân đội Mỹ, các tên lửa này chỉ được vận hành bởi một số đối tác như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Romania, cũng như Hàn Quốc, Bahrain, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Úc, Đài Loan (TQ), Litva, Estonia và Ma-rốc.
Tổng thống Zelensky xác nhận quân đội Ukraine lần đầu phóng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ từ pháo phản lực HIMARS để tập kích vị trí lực lượng Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17/10 cho hay quân đội nước này đã đưa vào sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa được Mỹ chuyển giao theo thỏa thuận mà Kiev đã đạt được với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"ATACMS đã thể hiện được năng lực và độ chính xác. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Mỹ", Tổng thống Zelensky cho biết.
Tuy nhiên Tổng thống Ukraine không nêu rõ mục tiêu bị hệ thống tên lửa tầm xa này tập kích. Đây là lần đầu tiên Ukraine xác nhận quân đội nước này đã sử dụng tên lửa ATACMS kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát.
Video được Ukraine công bố cho thấy tổ hợp pháo phản lực HIMARS liên tiếp phóng ba tên lửa ATACMS từ một rặng cây trong đêm.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson sau đó xác nhận đã chuyển giao tên lửa ATACMS cho Ukraine.
"Chúng tôi tin rằng ATACMS sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của Ukraine mà không làm suy giảm năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ", bà Adrienne Watson nói