Tập trung phòng trừ sâu, bệnh trên lúa xuân

Hiện nay, lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Đây là thời điểm các đối tượng sâu, bệnh phát sinh, phát triển gây hại mạnh. 'Qua điều tra, đánh giá, một số đối tượng sâu, bệnh có mật độ và khả năng gây hại rất cao, dễ gây mất mùa cục bộ nếu không được phòng trừ'- Đó là nhận định của ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) về tình hình sinh trưởng và phát triển của sâu, bệnh trên lúa xuân năm nay.

Thực tế cho thấy, các đối tượng sâu, bệnh trên lúa xuân đều diễn biến rất phức tạp. Điển hình, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có hiện tượng rải lứa, mật độ cao trung bình từ 50 – 70 con/m2, nơi cao 150 - 200 con/m2, cục bộ trên 200 con/m2. Như vậy, mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 cao gấp từ 3 đến hơn 10 lần ngưỡng phòng trừ (20 con/m2). Sâu non nở rộ gây hại diện rộng giai đoạn lúa phát triển làm đòng, trỗ bông. Đối tượng rầy nâu – rầy lưng trắng có mật độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Mật độ rầy trung bình 500 - 700 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ hơn 3.000 con/m2. Bệnh khô vằn phát triển nhanh và gây hại trên diện rộng kéo dài từ giai đoạn lúa đòng già đến cuối vụ.

Đặc biệt, bệnh đạo ôn cổ bông là đối tượng trọng tâm số 1 có diễn biến phức tạp do bị tác động của thời tiết. Bệnh phát sinh gây hại mạnh đặc biệt các diện tích lúa nhiễm đạo ôn lá, giống lúa nhiễm đạo ôn cổ bông. Lúa xuân cần được phun phòng 100% diện tích vào giai đoạn lúa chuẩn bị trỗ bông. Những diện tích lúa có vết bệnh đạo ôn lá và những giống nhiễm (Khang dân 18, TBR 225, Nhị ưu 838, Nàng xuân, nếp…) cần phun kép lần 2 khi lúa trỗ xong hoàn toàn…

Phun phòng trừ sâu, bệnh bằng máy bay không người lái ở HTX Nhân Phúc (Phú Phúc, Lý Nhân).

Trước diễn biến phức tạp của sâu, bệnh, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai phòng trừ. Với huyện Lý Nhân, cơ bản trên 5.300ha lúa xuân đều được phun phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh. Các địa phương trong huyện bám sát diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, kết hợp phun phòng trừ các loại dịch hại khác…

Huyện Kim Bảng có diện tích lúa xuân hơn 3.400 ha được gieo cấy sớm, việc phòng trừ sâu, bệnh được thực hiện theo sinh trưởng của lúa. Từ ngày 27/4 các địa phương trong huyện đã bước vào đợt cao điểm phòng trừ sâu, bệnh cho lúa. Toàn bộ diện tích lúa được phun phòng trừ kết hợp một số đối tượng, như: Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, khô vằn, rầy nâu – rầy lưng trắng… Với những diện tích lúa chuẩn bị trỗ trùng thời điểm cũng được phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Hiện nay, các địa phương trong huyện vẫn đang bám sát đồng ruộng kiểm tra và tiếp tục tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho những diện tích lúa chuẩn bị trỗ. Đồng thời, phun kép lần 2 các đối tượng sâu, bệnh khác sau khi phun lần 1 mật độ còn cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kim Bảng, đây là giai đoạn quan trọng nhất phòng trừ dịch hại cho lúa xuân. Vụ này, các đối tượng sâu, bệnh đều có chiều hướng diễn biến phức tạp cần có biện pháp phòng trừ triệt để, hiệu quả. Trung tâm cử cán bộ về các địa phương kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn phun phòng trừ bảo đảm đúng yêu cầu đề ra. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt, tránh tư tưởng chủ quan trong phòng trừ sâu, bệnh trên lúa xuân…

Được biết, để thực hiện tốt việc phòng trừ sâu, bệnh giai đoạn lúa chuẩn bị trỗ bông, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ biện pháp bảo đảm công tác phòng, trừ đạt hiệu quả cao cho từng đối tượng sâu, bệnh. Với bệnh đạo ôn cổ bông, biện pháp quan trọng là cần kiểm tra sinh trưởng của lúa, dự kiến thời gian lúa trỗ cụ thể từng trà, từng xứ đồng để kịp thời phun trừ 100% diện tích vào giai đoạn lúa bắt đầu trỗ bông; phun kép lần 2 cho diện tích đã bị nhiễm đạo ôn lá và những giống nhiễm nặng. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, do mật độ cao, rải lứa sau khi phun 3 ngày phải kiểm tra lại, nếu mật độ sâu còn ở mức hơn 20 con/m2 phải phun kép lại ngay. Các loại sâu, bệnh khác cần theo dõi chặt chẽ, phun theo đúng hướng dẫn, bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng kỹ thuật). Việc phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh bảo đảm ít nhất 4 giờ đồng hồ sau phun không gặp mưa. Các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) điều tiết nước hợp lý, bảo đảm mực nước từ 2 – 5 cm để thuận lợi cho lúa trỗ bông và phòng trừ sâu, bệnh. Đồng thời, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn điều tra, nắm bắt chính xác diễn biến của sâu, bệnh để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời. Trong vụ xuân năm nay, nhiều HTXDVNN đã tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh bằng máy bay điều khiển từ xa giúp quá trình thực hiện tập trung, hiệu quả.

Thời tiết vụ xuân năm nay theo dự báo vẫn có nhiều bất thuận, tạo điều kiện cho các đối tượng dịch hại tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại. Do vậy, công tác phòng trừ vẫn cần được quan tâm, nhất là công tác điều tra, dự tính, dự báo trên đồng ruộng đến từng đối tượng sâu, bệnh và ở từng trà lúa. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ lúa mùa từ nay đến cuối vụ, không để tình trạng giảm năng suất hay mất mùa cục bộ do sâu, bệnh gây hại.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/tap-trung-phong-tru-sau-benh-tren-lua-xuan-122337.html