Tập trung nguồn nước, đảm bảo gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước do lượng mưa giảm, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị các Công ty TNHH MTV thủy lợi và địa phương tập trung lấy nước đổ ải ngay từ đợt I/2022 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 trong khung thời vụ tốt nhất.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo hoàn thành việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, sẵn sàng cho công tác cấp nước vụ Đông Xuân 2022. Ảnh: Chu Kiều

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng 38.000 ha cây hàng năm, trong đó cây lúa 29.000 ha; cây rau màu 9.000 ha.

Để đảm bảo đủ nguồn nước cho gieo trồng, cần tới 165 triệu m3 nước, trong khi đó, năm nay lượng mưa ít, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Mặt khác, nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50%, tại vùng hạ lưu sông Lô, sông Hồng thiếu hụt từ 60-80% so với trung bình nhiều năm.

Tổng số ngày xả nước 3 đợt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm 2 ngày so với vụ Đông Xuân năm trước (rút từ 18 ngày xuống 16 ngày). Vì vậy, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất rất lớn.

Ông Nguyễn Đại Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2021-2022, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy lợi đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Công ty TNHH MTV thủy lợi, phòng NN&PTNT các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tưới, tiêu phục vụ sản xuất, phương án đảm bảo nguồn nước; nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy.

Thông báo kịp thời lịch xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam phục vụ đổ ải, tưới dưỡng cho lúa; phối hợp với ngành điện đảm bảo nguồn điện cấp cho các trạm bơm vận hành ổn định trong suốt thời gian lấy nước phục vụ gieo cấy.

Điều tiết, phân phối nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm; rà soát vùng khó khăn về nguồn nước để thực hiện điều tiết hỗ trợ nguồn nước từ công trình khác, lắp đặt bổ sung trạm bơm dã chiến, bảo đảm chủ động vận hành, tận dụng tối đa nguồn nước để đẩy nhanh tiến độ lấy nước gieo cấy.

Bám sát các đợt xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngay đợt xả nước đầu tiên từ 0h ngày 4/1 đến 24 h ngày 6/1/2022, các trạm bơm ven sông của các Công ty TNHH MTV thủy lợi đã vận hành hết công suất trữ nước vào hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất, gieo cấy.

Đại diện Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn cho biết: Để cung cấp đủ nước, kịp thời cho nông dân gieo trồng trong khung thời vụ, nhất là với các vùng cao cục bộ không có công trình thủy lợi, công ty đã thành lập Ban chỉ đạo chống hạn; nạo vét các đầu mối Liễn Sơn, Bạch Hạc, Đại Định, Liễu Trì và các tuyến kênh chính, kênh nhánh, các luồng dẫn vào bể hút các trạm bơm, các điều tiết đảm bảo dòng chảy thông suốt, tận dụng tối đa các nguồn nước sử dụng tiết kiệm.

Bố trí các máy bơm dã chiến tại các điểm giao nhận nước đảm bảo bơm nước khi mực nước kênh chính xuống thấp hơn cao trình cống lấy nước tự chảy hoặc tại những vùng cao khó khăn cục bộ về nguồn nước.

Đắp đập để dâng, tích trữ nước đủ cho các trạm bơm đảm bảo vận hành bơm nước tưới. Bố trí lực lượng thường trực tại công trình thủy lợi đầu mối trong thời gian công trình vận hành lấy nước.

Ngay sau khi các trạm bơm vận hành, thực hiện ngay việc trữ nước vào hệ thống kênh, trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất gieo cấy. Hiện, công ty đã chuẩn bị hơn 270 máy bơm dã chiến sẵn sàng vận hành khi hạn hán xảy ra trên diện rộng.

Chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phương án giảm thiểu nguy cơ thiếu nước.

Yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương xây dựng kế hoạch cấp nước, thực hiện cấp nước khoa học với phương châm xa tưới trước, gần tưới sau, khu cao tưới trước, khu trũng tưới sau để tăng hiệu quả tưới, tiết kiệm nguồn; thường xuyên theo dõi mực nước trên các sông, hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, bơm trữ vào các khu vực vùng trũng để dự trữ.

Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối, các công trình tưới, nhất là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước.

Đắp đập tạm trên các sông nội địa, suối, kênh tiêu để giữ nước phục vụ chống hạn; đào ao, hố chống hạn, nạo vét cửa khẩu các hồ chứa; lắp đặt các trạm bơm dã chiến điện, dã chiến dầu trên các tuyến kênh, kênh tiêu, ao, đầm, hồ tại các vị trí thuận lợi để tận dụng cấp nước tưới.

Đối với những diện tích lúa thường xuyên bị thiếu nước qua các năm thì khuyến cáo, vận động nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác nhằm tiết kiệm được nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ theo nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trữ nước ở mặt ruộng, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác.

Nghiêm cấm người dân tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát dẫn đến thiếu nước khu vực cuối kênh.

Tính đến ngày 5/1/2022, diện tích gieo cấy đã có nước trên địa bàn tỉnh hơn 4.000 ha, diện tích đã cấy gần 1.000 ha.

Hiện, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi đang vận hành hết công suất các trạm bơm để bơm trữ nước vào các ao, hồ, vũng trũng. Trước mắt đảm bảo làm mạ vụ Đông Xuân 2022 và diện tích cấy xuân sớm ở một số địa phương.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72410/tap-trung-nguon-nuoc-dam-bao-gieo-trong-trong-khung-thoi-vu-tot-nhat.html