Tập đoàn Đèo Cả sẽ đầu tư loạt dự án giao thông trọng điểm

Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả dự kiến sẽ đầu tư hàng loạt dự án như Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024, ngày 26-6, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thông tin về hàng loạt dự án sẽ được đầu tư trong thời gian tới gồm: Tân Phú – Bảo Lộc, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

 Tập đoàn Đèo Cả sẽ đầu tư nhiều dự án như Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: P.ĐIỀN

Tập đoàn Đèo Cả sẽ đầu tư nhiều dự án như Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: P.ĐIỀN

Tập đoàn Đèo Cả cho biết, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc và định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam. Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Trước dư địa phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, Đèo Cả đã xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn ngắn hạn - trung hạn - dài hạn về quy mô và số lượng dự án.

Đối với hoạt động đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành; vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỉ đồng và dự án đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ, giá trị hơn 47.600 tỉ đồng.

 Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Đối với hoạt động thi công, Đèo Cả tiếp tục thực hiện khối lượng công việc lớn trên đại công trường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 như: cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, với tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỉ đồng.

Cùng đó, Đèo Cả thi công tại các tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Tuyên Quang - Hà Giang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, vành đai 3 TP.HCM, nút giao Tân Vạn, hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM… với tổng giá trị thực hiện gần 15.000 tỉ đồng.

Về hoạt động quản lý vận hành, với năng lực kinh nghiệm, máy móc thiết bị hiện đại - chuyên dụng, trong thời gian tới Đèo Cả tiếp tục đấu thầu để trở thành đơn vị quản lý vận hành các tuyến đường và các hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Trả lời PV về việc các dự án gặp khó vì "khát" vật liệu xây dựng, dẫn đến chậm tiến độ, đại diện Tập đoàn Đèo Cả thừa nhận, hiện nay các dự án giao thông đều bị tác động bởi biến động của giá vật liệu.

Vì vậy, Đèo Cả đưa ra một số giải pháp căn cơ, như tận dụng lượng đất đá từ việc đào hầm, đặt hàng trước vật liệu ở hàng loạt đối tác và làm việc với chủ đầu tư để giảm tác động đến hoạt động đầu tư.

Năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận các chỉ số tích cực với doanh thu hợp nhất đạt 6.622 tỉ đồng, tăng 50,5% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ và xây lắp đạt 6.358 tỉ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 264 tỉ đồng, tăng lần lượt là 51,96% và 22,22% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỉ đồng, tăng 53,22% so với năm 2022.

Năm 2024, Đèo Cả đặt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.956 tỉ đồng, tăng 35,25% so với năm 2023.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tap-doan-deo-ca-se-dau-tu-loat-du-an-giao-thong-trong-diem-post797449.html