Tăng mức trợ cấp thất nghiệp để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Đề xuất giải pháp hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam nên mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp, song chính sách này cần được bổ sung bằng các cơ chế hiệu quả hơn…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam: Xu hướng, thách thức và khuyến nghị, cho thấy việc nhận bảo hiểm xã hội một lần ở nước ta hầu hết được thực hiện trước khi nghỉ hưu.

RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN DO THIẾU HỤT THU NHẬP

Báo cáo cho thấy, hầu hết các khoản chi trả trợ cấp một lần do ngừng đóng là của người lao động trong khu vực tư nhân. Trong khu vực công, chi trả bảo hiểm một lần do ngừng đóng ít phổ biến hơn, do việc làm ổn định hơn.

Hầu hết những người chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần đều ở độ tuổi từ 20 đến 39. Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần sớm này là điều có thể dự tính, bởi vì chính những người trẻ thường ít nghĩ về nhu cầu lương hưu ở tuổi già.

Báo cáo đưa ra đánh giá, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần liên quan chặt chẽ tới mức độ bấp bênh về thu nhập. Hai vấn đề đặc biệt trong cuộc sống dẫn đến việc nhận bảo hiểm xã hội một lần là: mất việc làm và sinh con.

Người lao động ở Việt Nam sử dụng các khoản chi trả bảo hiểm xã hội một lần để thay thế các tính năng mà hệ thống bảo hiểm xã hội không có hoặc không đủ mạnh.

Ở Việt Nam, phần lớn các trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần là để đối phó với tình trạng thiếu hụt thu nhập ngắn hạn, kết hợp với những suy nghĩ ngắn hạn cố hữu của người lao động, dẫn đến một số lượng lớn người lao động hàng năm rút khỏi bảo hiểm xã hội khi ngừng việc.

Tình hình nhận bảo hiểm xã hội một lần, khu vực công và khu vực tư nhân, 2016-2019.

Tình hình nhận bảo hiểm xã hội một lần, khu vực công và khu vực tư nhân, 2016-2019.

Vì vậy, báo cáo cho rằng, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên.

Có hai chính sách chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn phù hợp để đáp ứng một số nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền bảo hiểm xã hội một lần, đó là đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em/gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp.

Loại trợ cấp đầu tiên là đưa chế độ trợ cấp trẻ em đa tầng vào hệ thống an sinh xã hội hiện có. Việc thêm vào chế độ trợ cấp như vậy sẽ mang lại hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con ở độ tuổi đủ điều kiện, do đó khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống, và cũng tham gia đóng góp các chế độ này.

CẦN MỘT GÓI CHÍNH SÁCH TOÀN DIỆN

Chế độ bảo hiểm xã hội thứ hai có thể giúp người lao động giảm nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần đó là trợ cấp thất nghiệp. Bởi lẽ, khi không có hoặc không có đủ trợ cấp thất nghiệp, người lao động buộc phải tìm các nguồn thay thế để cân bằng thu nhập và chi tiêu của họ. Người lao động sẽ sử dụng hết tiền tiết kiệm, chuyển sang làm việc phi chính thức và rút bảo hiểm xã hội một lần.

Báo cáo cho rằng, mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam có thể là một chính sách quan trọng nhằm giảm bớt động cơ rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Việc làm này sẽ cho phép người lao động giữ các quyền và lợi ích của họ đối với lương hưu và bảo đảm thu nhập tuổi già.

Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Tuy nhiên, chính sách thụ động này của bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp) cần được bổ sung bằng các cơ chế, chính sách kích hoạt mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Việc tiếp cận tốt hơn với đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng có thể giúp người lao động tìm được công việc mới phù hợp với năng lực của họ nhanh hơn, và do đó giảm nhu cầu rút tiền trợ cấp một lần để đảm bảo thu nhập.

Hiện nay, mặc dù mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao (60%), nhưng do mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội có thể thấp hơn, dẫn đến các khoản trợ cấp thất nghiệp vẫn có giá trị thấp khi so sánh với chi phí sinh hoạt (và giá trị thực của thu nhập thực tế của người lao động trước khi mất việc).

Giải pháp khác là cần tiếp tục thảo luận các phương án để từ từ và giảm dần khả năng tiếp cận các khoản chi trả bảo hiểm một lần của người lao động. Tuy nhiên, chìa khóa ở đây là việc lựa chọn tiếp cận dần dần những thay đổi đó, thay vì thay đổi một cách đột ngột.

Ngoài ra, việc tăng dần thời gian người lao động phải chờ đợi từ khi chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội đến khi rút tiền đóng góp có thể góp phần làm giảm động lực rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động

Chẳng hạn, có thể tăng thời gian chờ để được rút bảo hiểm xã hội một lần mỗi năm tăng một tháng. Hiện tại thời gian chờ để được rút bảo hiểm xã hội một lần là 12 tháng, nếu theo phương pháp trên thì sau 6 năm thời gian chờ sẽ tăng thêm 50%.

Hơn hết, báo cáo nhấn mạnh rằng, việc giảm số lượng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam sẽ đòi hỏi phải có một gói chính sách toàn diện. Gói chính sách này phải là sự kết hợp các biện pháp nhằm mục đích tăng hỗ trợ mà người lao động nhận được từ bảo hiểm xã hội thông qua các chế độ trợ cấp khác, đồng thời giảm dần khả năng tiếp cận các khoản đóng của họ trước khi nghỉ hưu.

“Một gói chính sách hiệu quả giải quyết vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam phải là một gói thúc đẩy an ninh thu nhập tuổi già của người lao động, mà không gây ảnh hưởng đến mức sống của họ trong suốt thời gian tham gia”, báo cáo khuyến nghị.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-muc-tro-cap-that-nghiep-de-han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan.htm