Tăng cường trang bị nhận thức K=K trong điều trị HIV ở Khánh Hòa

Công tác điều trị và phòng, chống lây nhiễm HIV ở Khánh Hòa đạt được nhiều chuyển biến khả quan. Theo sự phát triển của xã hội và diễn biến của những nhóm nguy cơ cao, nhân viên y tế, đồng đẳng viên áp dụng hiệu quả truyền thông cộng đồng cũng như điều trị.

Điều trị tốt để K=K

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, hàng năm, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Xét nghiệm để nắm rõ tình trạng bệnh của mình, từ đó có cách điều trị, phòng ngừa hợp lý.

Thống kê đến hết 9/2023, tổng số người nhiễm HIV đang còn sống và được quản lý tại các địa phương là hơn 1.500. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,23% dân số.

Từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, đã có trên 35.200 lượt người ở Khánh Hòa được tư vấn và xét nghiệm HIV. Đến hết ngày 30/9, số bệnh nhân đang duy trì phác đồ ARV bậc 1 sau 12 tháng bắt đầu điều trị ở Khánh Hòa là gần 1.200 người. Bên cạnh đó, số người điều trị PrEP (điều trị dự phòng HIV) ít nhất 1 lần trong năm là 470 người.

Việc lây nhiễm HIV hiện nay thông qua một số con đường chính như: Qua đường máu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con...

Thuốc ARV luôn được cung cấp tốt cho bệnh nhân HIV ở Khánh Hòa

Bên cạnh các con đường lây nhiễm trên, người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay...do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Vậy nên, để phòng chống lây truyền HIV qua đường máu, phải thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu. Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo...phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế.

Đặc biệt, tất cả những nhóm có nguy cơ cao hãy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng. Nếu không may đã nhiễm HIV hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K=K (không phát hiện, không lây nhiễm).

Hệ thống đồng đẳng viên luôn tận tình truyền thông các kiến thức về HIV cho nhóm nguy cơ cao

K=K (không phát hiện, không lây nhiễm) nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị tốt bằng thuốc ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút, đưa tải lượng vi rút xuống dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện) thì sẽ sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường qua hệ tình dục.

Thực tế cũng đã chứng minh, khi điều trị đạt được đến ngưỡng K=K thì một người bị nhiễm HIV khó có thể làm lây bệnh cho bạn tình.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, việc truyền thông K=K cho đối tượng nguy cơ cao và bệnh nhân HIV được làm thường xuyên ở Khánh Hòa. Người bệnh được trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề này. Thông thường một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ thì sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu. Người nhiễm HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ duy duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và khi đó không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ. Hiện nay việc xét nghiệm HIV cũng như tiến hành tư vấn, điều trị thuốc ARV được triển khai mạnh ở Khánh Hòa. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa có xét nghiệm khẳng định chuẩn xác.

Bệnh nhân có lối sống tích cực.

Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn sau khi được tư vấn điều trị, được các đồng đẳng viên và nhân viên y tế dự phòng chia sẻ, động viên thì đã có lối sống tích cực. Cởi bỏ tâm lý tự ti, hòa nhập cộng đồng và lao động, học tập như những người khỏe mạnh bình thường.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, bệnh nhân HIV điều trị ARV là phải liên tục, tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc, không được điều trị theo ý thích của mình. Việc sử dụng thuốc phải đúng liều, đúng giờ, đúng đường và đúng cách. Đúng liều là bác sĩ chỉ định thế nào phải dùng đủ thế đó, không được bớt liều hoặc uống quá liều, gộp liều.

Khi có dấu hiệu nghị ngờ mắc HIV hãy đi xét nghiệm (ảnh minh họa)

Đúng giờ là lựa chọn lựa phù hợp của từng bệnh nhân. Uống thuốc đúng giờ nhằm đảm bảo duy trì nồng độ thuốc cần thiết trong máu của bệnh nhân.

Đúng đường là bác sĩ chỉ định dùng đường nào, bệnh nhân phải dùng đường đó, không được tùy tiện thay đổi. Hiện nay, đường thông dụng nhất đó là đường uống. Đường này hầu hết bệnh nhân đều sử dụng thuận lợi. Đúng cách là uống đúng vào thời điểm bác sĩ căn dặn, ví dụ như trước khi ăn cơm hoặc sau khi ăn cơm.

Việc tuân thủ tốt điều trị bằng thuốc ARV giúp bệnh nhân HIV kiềm chế, duy trì lượng vi rú HIV trong máu thấp, thể trạng của người bệnh cũng được cải thiện. Kèm theo, các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân HIV hãy luôn có lối sống lạc quan, ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục, thể thao…

Nhiều bệnh nhân HIV cho biết, vì sức khỏe và đời sống của bản thân nên đã làm theo đúng các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Từ đó, sức khỏe được cải thiện rất nhiều, đồng thời còn tham gia được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh.

Đông Hưng - Thanh Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-cuong-trang-bi-nhan-thuc-kk-trong-dieu-tri-hiv-o-khanh-hoa-169231129114607023.htm