Tăng cường phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 16/1/2020 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN); bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chỉ thị của UBND tỉnh về công tác PCTT, phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh... Khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT các cấp; triển khai kế hoạch PCTT năm 2020, công tác phòng chống bão mạnh và siêu bão, lũ quét, sạt lở đất; bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, xã, chủ động ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống.

Tổ chức, thực hiện công tác PCTT&TKCN tại địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ”. Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết để phòng, tránh. Kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn quản lý, lập phương án cụ thể di dời dân đến nơi an toàn...

Xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng, xây dựng các loại công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và ở bãi sông, khẩn trương xử lý việc các tổ chức, cá nhân đổ phế thải ra bãi sông, bờ kè, hoàn trả hiện trạng trước ngày 15/5/2020...

Đối với các địa phương có công trình hồ chứa nước thủy lợi, đê kè cần củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN công trình hồ chứa nước; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chịu trách nhiệm điều hành, ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. Thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố...

Lập, triển khai các phương án PCTT ra thực địa, đặc biệt tại các điểm sạt lở đất, nguy cơ sạt lở đất, các công trình hồ đập, công trình đang thi công có nguy cơ mất an toàn, yêu cầu chính quyền địa phương cấp xã, thôn, bản cử các lực lượng xung kích thường xuyên kiểm tra quan sát, di dời, hỗ trợ di dời người dân trong việc di dời đến nơi an toàn...

Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng. Riêng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Theo dõi, đôn đốc các địa phương, sở, ban, ngành thực hiện lập Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Điều 15 và Điều 22 của Luật PCTT. Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để tham mưu, chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cho các cấp thẩm quyền theo đúng quy định...

H.N (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/137623/tang-cuong-phong-chong-thien-tai,-tim-kiem-cuu-nan-bao-dam-an-toan-cong-trinh-thuy-loi,-de-dieu.htm