Tăng cường phối hợp, đầu tư đồng bộ để dự án Cái Lớn – Cái Bé hiệu quả

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị Cục Thủy lợi – đơn vị vận hành – và 5 tỉnh (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng) sớm ban hành quy chế phối hợp và quy trình vận hành cống ngăn mặn Cái Lớn – Cái Bé trong quí 2 này, sau khoảng một năm vận hành thử nghiệm dự án.

Trong thời gian trước khi xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé và hiện nay, tại một số khu vực hạ lưu, cống bị trũng thấp, thường xuyên bị ngập khi triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Do đó, để phát huy đồng bộ hiệu quả của dự án, các chuyên gia cho rằng cần phải đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình để khép kín…

Vận hành cống Cái Lớn- Cái Bé làm trầm trọng hơn ngập úng vùng hạ lưu. Trong ảnh là cống Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh

Vận hành cống Cái Lớn- Cái Bé làm trầm trọng hơn ngập úng vùng hạ lưu. Trong ảnh là cống Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, địa phương trong vùng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé (dự án Cái Lớn- Cái Bé) cho biết, tỉnh Kiên Giang có 247.000 héc ta nằm trong vùng dự án, chiếm 64% diện tích vùng hưởng lợi.

Theo ông, đến thời điểm hiện tại, tức sau khoảng một năm vận hành thử nghiệm dự án Cái Lớn- Cái Bé, thời vụ sản xuất của các địa phương nằm trong vùng dự án (tỉnh Kiên Giang có 7 huyện nằm trong vùng dự án- PV) chưa thay đổi nhiều so với trước. “Chúng tôi chưa ghi nhận thay đổi đáng kể về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng dự án sau khi công trình đã vận hành kiểm soát được 12 tháng”, ông cho biết.

Cụ thể hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, trước và sau 12 tháng vận hành công trình, thì hết năm 2022 cả 7 huyện của địa phương vẫn duy được diện tích lúa như năm 2021 là 311.000 héc ta; sản lượng lúa thu hoạch đạt 1,9 triệu tấn so với 1,8 triệu tấn của năm 2021.

“Riêng thủy sản, vùng này thả nuôi 265.000 héc ta, tiếp tục duy trì 60% cơ cấu của tỉnh, trong đó, tôm nuôi 125.000 héc ta với sản lượng 67.000 tấn, đạt theo mục tiêu của ngành nông nghiệp đã xây dựng”, ông Toàn dẫn chứng và nhấn mạnh, nhìn chung sản lượng nông nghiệp chính của vùng vẫn đáp ứng được yêu cầu qua một năm vận hành (dự án Cái Lớn- Cái Bé).

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam, đơn vị vận hành dự án Cái Lớn- Cái Bé, đánh giá qua thời gian vận hành từ đầu năm 2022 đến nay, các mục tiêu của dự án cơ bản đã được đáp ứng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, đánh giá của các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc vận hành dự án Cái Lớn- Cái Bé đã làm trầm trọng hơn tình hình ngập ở vùng hạ lưu dự án (từ cống ra cửa biển Tây – PV)

Vận hành cống làm gia tăng ngập vùng hạ lưu

Ông Việt Anh của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để trao đổi, thống nhất kế hoạch vận hành (triển khai theo mùa, tháng, thậm chí có thời điểm thông báo vận hành đột xuất).

“Ví dụ, năm 2022 chúng tôi đã có 12 lần thông báo vận hành công trình và năm 2023 chúng tôi cũng đã có thông báo vận hành phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2022-2023”, ông Việt Anh dẫn chứng và cho rằng, trong quá trình vận hành, đơn vị này cùng các cơ quan, đơn vị của địa phương đi xuống các huyện, thậm chí xã để kịp thời phát hiện ra các vấn đề liên quan về nguồn nước.

Kết quả ghi nhận của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam cho thấy, tại các điểm không chế ở cầu Cái Tư và trạm Trâm Bầu, trong suốt năm 2022 đảm bảo khống chế tốt về độ mặn (trong vùng dự án có nhiều điểm theo dõi độ mặn và dự án Cái Lớn- Cái Bé có nhiệm vụ vận hành để độ mặn tại các điểm này không vượt quá mức quy định, tức điểm khống chế- PV).

“Tuy nhiên, tại các trạm Kim Quy, Xẻo Quao trên kênh Xẻo Rô- Cán Gáo, thì kiểm soát mặn mùa khô 2021-2022 với độ mặn 25 phần nghìn chưa được chủ động vì các công trình trên hệ thống đê biển Tây tỉnh Kiên Giang, Cà Mau chưa được đồng bộ, khép kín cũng như chưa có công trình kiểm soát mặn từ biển Đông qua sông Ông Đốc nên tại cái điểm khống chế này còn có “vấn đề””, ông Việt Anh giải thích.

Theo ông Việt Anh, trong quá trình vận hành, đơn vị này đã làm việc với các địa phương và nhận thấy còn một số mâu thuẫn về nhu cầu ngọt- mặn đối với các địa phương liên quan đến hai hệ thống là Cái Lớn- Cái Bé và Quản Lộ- Phụng Hiệp thuộc các huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu) và Gò Quao của Kiên Giang. “Nhu cầu nước vào mùa khô hàng năm có sự khác nhau như: Hồng Dân và Gò Quao thì cần mặn, trong khi Long Mỹ của Hậu Giang lại cần ngọt, cho nên, đây là vấn đề chúng tôi cho rằng cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong việc vận hành các công trình thủy lợi do địa phương quản lý”, ông cho biết.

Một điểm đáng lưu ý trong quá trình vận hành dự án Cái Lớn- Cái Bé đã được Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam chỉ ra, đó là hệ thống bờ bao phía hạ lưu của dự án Cái Lớn- Cái Bé bị ngập úng. “Các công trình vùng ven biển Tây, dọc theo sông Cái Lớn- Cái Bé (từ hạ lưu đến cửa biển) và hệ thống công trình kiểm soát mặn (cụm Châu Thành, An Biên 1, An Biên 2 và An Minh) chưa được đầu tư đồng bộ nên cũng ảnh hưởng đến công tác vận hành”, ông cho biết.

Còn hệ thống công trình do địa phương quản lý, thì một số công trình phân ranh giữa các tiểu vùng sinh thái (mặn-lợ; ngọt- lợ luân phiên, ngọt) chưa được đầu tư đồng bộ, khép kín. Thậm chí, một số địa phương chưa có công trình phân ranh, cho nên, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành kiểm soát nguồn nước.

Một vấn đề nữa, đó là sản xuất nông nghiệp trong vùng ở một số địa phương còn “da beo” đan xen manh mún nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về nguồn nước giữa các địa phương trong một huyện hoặc giữa các huyện với nhau và giữa các tỉnh trong cùng một hệ thống. Điều này, đã “làm khó” cho công tác quản lý vận hành dự án Cái Lớn- Cái Bé.

Tại hội thảo đánh giá kết quả vận hành của hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé diễn ra vào tuần rồi ở tỉnh Kiên Giang, một vị chuyên gia của liên danh Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam và Viện khoa học thủy lợi Việt Nam khi nói về tình trạng ngập ở hạ lưu dự án Cái Lớn- Cái Bé cho rằng, bất kể một cống nào khi đóng để kiểm soát thì vùng triều đều bị tác động lên ở khu vực hạ lưu.

Đối với dự án Cái Lớn- Cái Bé, khi đánh giá ở giai đoạn thử nghiệm vào tháng 11-2021 về mức gia tăng mực nước (độ dềnh mực nước), thì căn cứ trên số liệu thực đo ở khu vực hạ lưu và các số liệu dự báo cho thấy: nếu đóng hoàn toàn cống Cái Lớn (11 cửa), thì độ dềnh mực nước là khoảng 30 cm ở phía sau cống và giảm dần khi ra ngoài cửa biển; mực nước dềnh 24 cm ở hạ lưu cống Cái Bé khi đóng hoàn toàn.

Trong đợt vận hành vào tháng 1-2022, khi Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam vận hành đóng 9/11 cửa của cống Cái Lớn, thì con số về độ dềnh được xác định là 26 cm.

“Khi chúng ta dùng phương pháp mô hình toán mô phỏng, thì kết quả đã xác định độ dềnh nước lớn nhất ở cống Cái Lớn là khoảng 29 cm khi đóng toàn bộ 11 cửa và ở cống Cái Bé là khoảng 21 cm khi đóng toàn bộ (2 cửa). Còn nếu đóng ½, thì giảm được khoảng một nửa độ dềnh”, vị chuyên gia này cho biết.

Theo vị này, mực nước biển Tây dâng cao (nếu so sánh từ năm 2000 trở về trước với hiện nay, thì mực nước cao nhất đã tăng trên dưới 30 cm và tăng trên dưới 20 cm trong 5 năm trở lại đây- pv), trong khi cao độ hạ tầng giao thông, bờ bao, nhà cửa khu vực hạ lưu dự án Cái Lớn- Cái Bé thấp (ngoại trừ 4 tuyến từ cầu Cái Lớn, Cái Bé vào chân công trình làm mới có cao độ dương 1,4-1,5 mét, thì toàn bộ từ cầu Cái Lớn- Cầu Cái Bé ra phía hạ lưu phần lớn chỉ có cao độ dương 1,2-1,3 mét, thậm chí một số khu vực chỉ dương 1 mét- PV) nên không tránh khỏi ngập khi triều cường, kể cả khi chưa vận hành công trình.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của vị này, hiện trạng ngập kết hợp với vận hành công trình sẽ dẫn đến tình trạng ngập ở khu vực hạ lưu dự án Cái Lớn- Cái Bé gia tăng hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước khi vận hành, phía hạ lưu đã ngập và khi vận hành nó đã tăng lên. “Vấn đề là tăng bao nhiêu? Khi vận hành là 30 cm, còn khi không vận hành là bao nhiêu?” ông nêu câu hỏi, nhưng cho rằng việc ngập này đã có trong dự báo của quy trình vận hành.

Chưa ghi nhận tác động tiêu cực sản xuất nông, thủy sản vùng dự án. Trong ảnh là vùng nuôi tôm quảng cảnh ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh

Chưa ghi nhận tác động tiêu cực sản xuất nông, thủy sản vùng dự án. Trong ảnh là vùng nuôi tôm quảng cảnh ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh

Đề xuất đầu tư thêm nhiều công trình

Để dự án Cái Lớn- Cái Bé đảm bảo vận hành đầy đủ các nhiệm vụ như đã đề ra và đảm bảo mục tiêu, vị chuyên gia nêu trên đề nghị cần đầu tư khép kín và đưa vào vận hành hệ thống các công trình của cụm An Biên 1, An Biên 2 và An Minh.

“Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng là việc cần thiết. Bởi, chúng ta xác định dự án Cái Lớn- Cái Bé là công trình đầu mối vòng ngoài, tức chỉ xử lý được ở dạng đảm bảo khống chế các chỉ tiêu về mực nước, chất lượng nước trên hệ thống đó thôi”, vị chuyên gia này giải thích và cho rằng, hệ thống nội đồng sẽ làm nhiệm vụ lấy nước cũng như kiểm soát nước đưa từ các hệ thống lớn vào khu vực của mỗi địa phương.

Đặc biệt, cần hoàn thành sớm việc nâng cấp hạ tầng, cơ sở khu vực hạ lưu cống để giải quyết tình trạng ngập úng trong bối cảnh nước biển dâng cũng như do vận hành dự án Cái Lớn- Cái Bé gây ra, theo gợi ý của vị chuyên gia này.

Ông Việt Anh của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam cũng kiến nghị, đầu tư xây dựng khép kín hệ thống các công trình kênh biển Tây và các công trình phân ranh.

Trong khi đó, ông Toàn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án Cái Lớn- Cái Bé để đảm bảo phát huy đồng bộ, kiểm soát tốt môi trường các khu vực nhằm phát huy đồng bộ dự án.

Liên quan việc này, ông Vũ Viết Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt và đổi tên thành dự án công trình Tắc Thủ, chứ không gọi là giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé.

Theo ông Toàn, hiện nay trên đê biển Tây có khoảng 43 cửa sông, trong đó, có 29 cửa đã có cống. Tuy nhiên, khu vực biển Tây ở An Minh, An Biên giáp Cà Mau có nhiều cống cần phải thực hiện để phát huy đồng bộ trong vận hành.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị xem xét đầu tư dự án hệ thống kiểm soát mặn hạ lưu sông Cái Lớn, bao gồm 10 cống từ cống Xẻo Rô đến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư 900 tỉ đồng nhằm đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả dự án Cái Lớn- Cái Bé.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-cuong-phoi-hop-dau-tu-dong-bo-de-du-an-cai-lon-cai-be-hieu-qua/