Tăng cường công tác quản lý, điều trị và nâng cao năng lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19

Sáng 2/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường công tác quản lý, điều trị và nâng cao năng lực hồi sức tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 với 63 Sở Y tế tại 700 điểm cả nước.

BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, chủ trì hội nghị có BSCKII Trịnh Văn Quyết -Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cùng tham dự có cán bộ, lãnh đạo UBND TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế Đà Lạt, Lạc Dương. Đồng thời, 10 đơn vị tuyến y tế huyện, lãnh đạo UBND các huyện, TP Bảo Lộc tham dự hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu tại cấp huyện, thành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hết sức chủ động, thực hiện 4 tại chỗ (Trung ương chỉ hỗ trợ khi cần thiết) và đặc biệt chuẩn bị ô xy, máy thở để chuẩn bị cho tình huống xấu, huy động y tế tư nhân tham gia cuộc chiến này.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế làm cơ sở để Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị nguồn lực; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực; chuẩn hóa công tác chẩn đoán, điều trị. Sàng lọc, phân loại nguy cơ, xét nghiệm để cách ly, quản lý, điều trị kịp thời (hoạt động này rất có ý nghĩa trong công tác phát hiện, khoanh vùng, kiểm soát dịch). Thiết lập hệ thống cơ sở quản lý, điều trị Covid-19: Bố trí trang thiết bị, thuốc, nhân lực, chăm sóc, giám sát phù hợp, tránh dàn trải nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh quá khả năng đáp ứng ở một số tỉnh, thành. Thường xuyên có văn bản chỉ đạo tăng cường năng lực đáp ứng công tác khám chữa bệnh, điều trị người bệnh, người bệnh nặng, nguy kịch.

Các nội dung phổ biến tại hội nghị gồm: Tăng cường công tác quản lý, điều trị Covid-19 và thiết lập hệ thống hồi sức tíc cực; phân tầng quản lý, điều trị người bệnh Covid-19 (mô hình tháp 3 tầng); mô hình Tele-ICU (Trung tâm điều hành, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị từ xa khoa cấp cứu - hồi sức tích cực) ứng dụng trong phòng chống Covid-19; theo dõi, phân loại và điều trị bệnh nhân Covid-19; nâng cao năng lực sử dụng máy thở trong điều trị suy hô hấp nặng, nguy kịch.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh phân tích tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cập nhật đến 7 giờ ngày 2/8, số ca mắc 157.507 ca, số đã khỏi 43.157 ca, số tử vong 1.695 ca (thống kê chưa đầy đủ), hiện đang điều trị 113.040 ca.

Trong tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có 83,1% bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không triệu chứng là bằng chứng để có chiến lược điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu tổng số ca tử vong do Covid-19 trong nước với 1.695 ca (TP Hồ Chí Minh 1.338 ca) thì 30,1% bệnh nhân tử vong có trên 70 tuổi và 28,6% bệnh nhân tử vong có độ tuổi từ 60 - 70 tuổi.

Cục Khám chữa bệnh cũng phổ biến tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và hướng xử trí ban đầu và sẽ tiếp tục cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình dịch và các tầng điều trị Covid-19, gồm: Nhóm nguy cơ rất cao; nhóm nguy cơ cao; nhóm nguy cơ trung bình; nhóm nguy cơ thấp.

Yêu cầu tất cả các cơ sở đang thu dung điều trị ca F0, bao gồm cả bệnh viện dã chiến phải cung cấp dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chính xác để phục vụ công tác điều hành quản lý, thu dung và điều trị người bệnh Covid-19; hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị trong trường hợp cần thiết.

Cập nhật về công tác xét nghiệm, tính đến 28/7, toàn quốc có ít nhất 122 bệnh viện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Tổng công suất các bệnh viện khoảng 65.000 mẫu đơn/ngày. Bộ Y tế yêu cầu các phiếu xét nghiệm Covid-19 phải ghi giá trị CT (tải lượng virus SARS-CoV-2) trên phiếu trả kết quả xét nghiệm.

Thiết lập hệ thống quản lý, điều trị Covid-19 trên nguyên tắc: 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, điều trị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ); phân tầng điều trị, cá thể hóa điều trị người bệnh Covid-19. Cụ thể, phân loại người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị: Người bệnh không triệu chứng, người bệnh mức độ nhẹ (các bệnh viện tuyến quận, huyện, các cơ sở thu dung điều trị ban đầu); người bệnh mức độ vừa (các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện truyền nhiễm, khoa truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyển đổi thành bệnh viện điều trị Covid-19); người bệnh nặng, nguy kịch (bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa huyện huyện có hồi sức cấp cứu - ICU). Nếu quá khả năng: Hỗ trợ tại chỗ, từ xa, hoặc tiếp nhận điều trị của bệnh viện được phân công phụ trách theo vùng, bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện truyền nhiễm Trung ương/nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị cũng đã tập huấn về thiết lập hệ thống hồi sức tích cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng với mục tiêu nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của hệ thống khám chữa bệnh, tăng cường khả năng thu dung điều trị ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch, đáp ứng kịch bản dịch bệnh gia tăng, hạn chế tối đa người bệnh tử vong. Đồng thời, đề ra những công việc cụ thể cần thực hiện trong từng giai đoạn.

Theo Cục Khám chữa bệnh, trong bối cảnh dự báo tình hình phức tạp hơn do tốc độ lây lan nhanh, rộng, tăng số người bệnh nặng, nguy kịch; tỷ lệ người được tiêm chủng còn thấp gây khó khăn trong công tác quản lý, điều trị, các tỉnh cần rà soát, cập nhật kế hoạch và sẵn sàng nguồn lực đáp ứng với các tình huống: 500, 1.000, 3.000, 5.000, 10.000, 30.000 và 100.000 ca mắc… Củng cố hệ thống cơ sở quản lý, điều trị Covid-19. Củng cố, phát triển năng lực hồi sức tích cực, đặc biệt thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực; tăng cường nhân lực và năng lực chuyên môn; đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị, năng lực và công suất xét nghiệm và củng cố năng lực hồi sức tích cực.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-dieu-tri-va-nang-cao-nang-luc-hoi-suc-tich-cuc-cho-benh-nhan-covid-19-3070830/