Tâm lý kinh doanh giảm xuống mức 'thấp nhất mọi thời đại', doanh nghiệp châu Âu đang muốn rời Trung Quốc?

Phòng Thương mại EU nhận thấy tâm lý kinh doanh của nhiều công ty, doanh nghiệp khối này tại Trung Quốc đã giảm xuống mức 'thấp nhất mọi thời đại'.

Báo cáo thường niên của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh 'không còn là sự lựa chọn hiển nhiên cho tất cả mọi người'. (Nguồn: AP)

Giữa bối cảnh bất ổn về kinh tế và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc vừa đưa ra cảnh báo tâm lý bi quan về triển vọng đầu tư tại Trung Quốc đang đè nặng các công ty châu Âu, đồng thời đưa ra lời kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các động thái cụ thể để sớm khôi phục niềm tin kinh doanh tại quốc gia tỷ dân.

Hôm 10/5, cơ quan này cho biết, các công ty châu Âu đang ngày càng do dự hơn trong việc mở rộng đầu tư vào Trung Quốc và dần để mắt tới các cơ hội ở nhiều khu vực khác như Đông Nam Á hay Ấn Độ.

Theo Khảo sát niềm tin kinh doanh hàng năm của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, chỉ 15% - một tỷ lệ thấp kỷ lục - cho rằng Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu, trong khi chỉ có 13% – một tỷ lệ thấp lịch sử khác – coi Trung Quốc là điểm đến hàng đầu trong tương lai. Nhiều công ty tham gia Khảo sát cho biết, không có kế hoạch đầu tư thêm vào Trung Quốc.

Mặc dù 3/4 công ty, doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết có kế hoạch tái đầu tư một phần lợi nhuận năm 2023 vào Trung Quốc, nhưng hơn 1/3 thừa nhận sẽ tái đầu tư ít hơn mức trung bình lịch sử.

Báo cáo thường niên của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh “không còn là sự lựa chọn hiển nhiên cho tất cả mọi người”, trong đó trích dẫn phản hồi từ 529 công ty thành viên vào tháng Một và tháng Hai.

Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại chỉ rõ: “Điều đang xảy ra hiện nay là các công ty Trung Quốc bắt đầu nhận ra một số áp lực trên thị trường toàn cầu cũng như sự cạnh tranh với các công ty châu Âu. Điều này đang tác động đến các khoản đầu tư, quyết định cũng như cách các công ty nhận định sự phát triển của thị trường địa phương”.

Lo ngại từ suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng Mỹ - Trung, rủi ro từ xung đột địa chính trị và sự cạnh tranh với khu vực tư nhân Trung Quốc là những thách thức chính được các công ty nêu ra trong cuộc Khảo sát.

“Niềm tin về môi trường kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại do những trở ngại pháp lý phần lớn vẫn chưa được giải quyết vào năm 2023”, Báo cáo nêu rõ.

Hơn 2/3 số công ty đến từ châu Âu cho biết, việc kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn, đánh dấu tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận.

Cuộc Khảo sát cũng cho thấy sự gia tăng các khoản đầu tư rời khỏi Trung Quốc hoặc quyết định chuyển sang các nước khác, dù không đáng kể.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp châu Âu, với khoảng 21% số chủ doanh nghiệp được hỏi đã chuyển – hoặc đang cân nhắc di chuyển các khoản đầu tư dự kiến ban đầu tại Trung Quốc. Tiếp theo ASEAN là châu Âu, Ấn Độ và Bắc Mỹ.

Báo cáo cho biết, sự thay đổi này là do xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ và do môi trường kinh doanh không chắc chắn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Vì các quyết định đầu tư được thực hiện theo chu kỳ nên việc đảo ngược xu hướng này sẽ không thể được thực hiện trong một sớm một chiều”.

Tình trạng dư thừa công suất đã nổi lên như một trong những thách thức đối với các công ty châu Âu tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây dựng dân dụng, ô tô, máy móc và hóa dầu.

“Nếu các vấn đề liên quan đến nhu cầu yếu và dư thừa công suất vẫn không được giải quyết, áp lực cạnh tranh có thể sẽ tăng cao hơn nữa”, Báo cáo cho hay, đồng thời thông tin hơn 1/3 số công ty than phiền dù doanh thu đã khá hơn nhưng vẫn đang ở mức thấp kỷ lục.

Chưa đến 1/3 số công ty báo cáo tỷ suất lợi nhuận cao hơn ở Trung Quốc so với mức trung bình toàn cầu, đạt tỷ lệ thấp nhất trong 8 năm.

“Các doanh nghiệp châu Âu đang điều chỉnh lại kỳ vọng đối với thị trường Trung Quốc và các chiến lược mà họ dự định áp dụng để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế dự kiến - chẳng hạn như cắt giảm chi phí - có khả năng làm tăng thêm những thách thức kinh tế của Trung Quốc, tạo ra một chu kỳ tiêu cực”, Báo cáo cảnh báo.

Cũng theo Báo cáo, hơn một nửa số công ty đang có kế hoạch cắt giảm chi phí và hơn 1/4 trong số đó đã lên kế hoạch thực hiện bằng cách cắt giảm số lượng nhân viên, ngân sách tiếp thị hoặc giảm diện tích văn phòng.

Các chính sách kiểm soát xuất khẩu mới và sắp tới của Washington về sản xuất máy tính và chất bán dẫn tiên tiến cũng có thể tác động đến một tỷ lệ lớn các công ty EU đang hoạt động tại Trung Quốc, với gần 1/4 số công ty được thăm dò dự đoán hoạt động của họ sẽ bị ảnh hưởng.

“Hơn 1/3 (37%) đang bị áp lực phải sản xuất hàng hóa cho thị trường Trung Quốc mà không có linh kiện do Mỹ sản xuất; và 1/4 đang được thúc đẩy để sản xuất hàng hóa cho thị trường châu Âu hoặc các thị trường khác mà không có linh kiện do Trung Quốc sản xuất”, Báo cáo dẫn chứng.

(theo SCMP)

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tam-ly-kinh-doanh-giam-xuong-muc-thap-nhat-moi-thoi-dai-doanh-nghiep-chau-au-dang-muon-roi-trung-quoc-270856.html