Sức Xuân nhiều màu sắc mới trên đất mỏ Quảng Ninh

Một mùa Xuân mới lại về trên khắp nẻo đất Việt. Mỗi mùa xuân đến luôn mang đến nhiều niềm vui, khí thế mới. Chung niềm vui của cả nước, đất mỏ Quảng Ninh anh hùng Xuân này đón thêm nhiều điều tươi mới.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái góp phần hoàn thiện trục cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến TP Móng Cái (Quảng Ninh) tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam

Đổi mới từ con người

Năm 2019 tỉnh Quảng Ninh có hai sự chuyển giao lãnh đạo quan trọng. Tháng 9/2019, ông Nguyễn Xuân Ký (SN 1972) Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, thay ông Nguyễn Văn Đọc nghỉ hưu theo chế độ. Trước đó vào tháng 7/2019, ông Nguyễn Xuân Thắng (SN 1973) cũng được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông Thắng từng trải qua các chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Vietinbank, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Hai lãnh đạo đều còn rất trẻ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy sự năng động, tư duy dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của hai người đứng đầu tiền nhiệm và những lãnh đạo của tỉnh trước đó - những người được cho là đã mang đến nhiều đổi thay lớn lao cho tỉnh có GDP vào top đầu cả nước.

Còn quá mới mẻ để có thể nói đến hay kể ra và chứng minh những “thành tích” bằng số liệu, hành động cụ thể. Song, với sự tin tưởng, gửi gắm của lớp lãnh đạo đi trước cùng cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và đặc biệt sự trao gửi, kỳ vọng của Trung ương. Tất cả đều tin tưởng sự phát triển với tầm vóc cao hơn nữa, xứng tầm tỉnh nằm trong trục phát triển kinh tế đầu tàu cả nước: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ tiếp tục hóa rộng; cùng đưa đất nước chuyển mình với những nấc thang phát triển cao hơn nữa.

Quảng Ninh hôm nay đang trên đà phát triển với dáng dấp đô thị hiện đại, văn minh

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, một trong những nút thắt giải bài toán phát triển của tỉnh xuất phát từ kết quả, hiệu quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Quảng Ninh. Tiếp nối, nhất quán, xuyên suốt quá trình triển khai từ Đề án 25 của tỉnh đến Nghị quyết Trung ương 6 với tinh thần chủ động, liên tục sau gần 5 năm triển khai đến nay Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Đặt ra và triển khai thực hiện các giải pháp đã đem lại một số kết quả, hiệu quả; Thứ hai, từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn; Thứ ba, từ việc đổi mới tư duy nhận thức, định vị lại giá trị của tỉnh, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, yếu kém, xác định đúng triết lý, phương hướng phát triển; đưa ra được một số mô hình đổi mới, có tính đột phá; cùng với sự quan tâm của Trung ương, việc quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ là động lực, là nhân tố quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả nổi bật, nhất là trong 04 năm (2016-2019).

Tăng tiềm năng, nâng cao giá trị cho các vùng đất

Bên cạnh việc hoàn thiện sự chuyển giao hàng ngũ lãnh đạo đứng đầu tỉnh, từng bước đi vào ổn định, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Những ngày cuối cùng của năm 2019, cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đón nhận niềm vui mới. Sáng 17/12/2019, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của 11 tỉnh, trong đó có Quảng Ninh.

Theo đó, Nghị quyết thông qua việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, nhằm mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh. Phương án thực hiện là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long. Ngoài ra, sẽ thành lập phường Hoành Bồ thuộc thành phố Hạ Long mới, trên cơ sở hiện trạng của thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ) hiện nay. Sau sáp nhập, thành phố Hạ Long mới sẽ rộng gấp 5 lần diện tích hiện nay. Cùng với đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh sẽ sáp nhập 9 đơn vị hành chính của 5 huyện, thành phố thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.

Cung quy hoạch tỉnh Quảng Ninh có thiết kế ấn tượng, nhìn từ trên cao công trình hiện lên với hình ảnh của 1 chú Cá heo đang vờn sóng

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào thời điểm này để tiếp tục tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, tinh giản mạnh về số đầu mối, có điều kiện để tiếp tục lộ trình tinh giản một phần về biên chế. Đồng thời mở ra khả năng nâng cao đồng đều chất lượng đội ngũ cán bộ, thông qua luân chuyển, điều động, thử thách các mức độ nhiệm vụ khác nhau. Tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ làm quen, rèn luyện trong môi trường làm việc sôi động, văn minh, đòi hỏi cao. Giảm bớt tính cục bộ trong công tác cán bộ, khắc phục “lối mòn”, tình trạng trì trệ kém động lực của một số cán bộ cơ sở.

Vẫn theo Bí thư Quảng Ninh, việc sáp nhập thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ hoàn toàn phù hợp chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ, nhất là trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Hệ thống văn bản pháp lý rất đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi cho việc áp dụng; thực hiện đồng hành cũng nhiều địa phương trong cả nước nên rất thuận lợi cho việc thông qua.

Kiến trúc cổng chào tỉnh Quảng Ninh là sự kết hợp giữa hai yếu tố di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử gồm đài sen, hồ cảnh, đồi nhân tạo, giao thông cảnh quan

Vị Bí thư Tỉnh ủy tái khẳng định: Thời điểm sáp nhập rất phù hợp vì hiện nay BTV Tỉnh ủy đang chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội các cấp và bầu cử nên thuận lợi cho việc gắn phương án sắp xếp tổ chức, cán bộ với đề án nhân sự Đại hội; điều chỉnh các định hướng lớn về kinh tế - xã hội kịp thời. Đặc biệt, Hạ Long và Hoành Bồ đang có những điều kiện về hạ tầng kết nối, khuynh hướng chuyển dịch đô thị, cửa ngõ giao thông về phía cầu Bang và lân cận rất rõ nét.

Theo thống kê của tỉnh, từ năm 2014 - 2018, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt gần 45.000 tỷ đồng với 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 4.600 tỷ đồng, chiếm gần 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh huy động được gần 10 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở của tỉnh.

Vũ Văn Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/suc-xuan-nhieu-mau-sac-moi-tren-dat-mo-quang-ninh-34281.html