Sử dụng hiệu quả nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, đe dọa sản xuất nông nghiệp và cuộc sống người dân. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ khan hiếm nước càng trầm trọng hơn trong tương lai nếu không có giải pháp quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.

Từ đầu mùa khô năm 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt, gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn hécta rau màu thiếu nước tưới, chết khô và diện tích rừng bị cháy rụi… Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn đã khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất – sinh hoạt.

PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) phân tích, hạn hán có thể chia làm 4 cấp độ là hạn khí tượng, hạn nông nghiệp, hạn thủy văn và hạn xã hội. Trong đó, hạn xã hội là mức độ cao nhất, gây thiệt hại nhiều nhất khi gây ra các tác động như thiếu nước uống, cần cứu trợ nước khẩn cấp, ngưng sản xuất kéo dài, kinh tế giảm sút và có thể dẫn đến di dân số đông. Các giải pháp đang được áp dụng để đối phó với tình hình hiện nay thường xuyên cập nhật tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, điều chỉnh lịch thời vụ hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất nông nghiệp; áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; chia sẻ nguồn nước, ưu tiên phân phối nước ngọt cho các lĩnh vực.

Kênh rạch nội đồng ở đồng bằng sông Cửu Long cạn nước trong mùa khô 2024.

Kênh rạch nội đồng ở đồng bằng sông Cửu Long cạn nước trong mùa khô 2024.

ĐBSCL đang đối diện nguy cơ rất lớn về thiếu hụt nguồn nước trong tương lai do vấn đề quản trị nguồn nước từ thượng nguồn và biến đổi khí hậu. TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Thiên tai cực đoan cho rằng, vấn đề không phải là câu chuyện thiếu nước mà là làm sao để giữ nước, trong đó có nguồn nước mưa. Với lượng mưa 2.100mm trong năm là rất lớn và có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhưng vì sao chưa được đưa vào kế hoạch và có quy hoạch để sử dụng nguồn nước này.

PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam cũng nhận định: “ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về 60-70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3. Vấn đề là giữ nước để sử dụng”. Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam kiến nghị làm các giải pháp để trữ nước như: trữ trong hệ thống kênh, rạch, mương vườn; trữ nước trên ruộng, trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt…

Ông Phạm Văn Sỹ, chuyên viên Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được các chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Trong đó, lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch phát triển. Để sử dụng bền vững nguồn nước ở ĐBSCL, cần xây dựng hệ thống công trình trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô; hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn; chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các tuyến dân cư, nhà ở để chủ động hỗ trợ người dân trong các trường hợp cần thiết. PGS-TS Lê Anh Tuấn kiến nghị chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL là giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản, rau màu và cây ăn trái với mô hình sản xuất tiết kiệm nước và khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Cần xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm, đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.

Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giangthông tin: “Tỉnh đang xây dựng hồ chứa 100ha và đã thực hiện xong giai đoạn 1 là 50ha. Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, năm 2010, tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng 15 giếng ngầm nhưng chỉ được khai thác khi nước mặn xâm nhập hay có sự cố về môi trường”. Về giải pháp lâu dài, tỉnh Hậu Giang đã và đang thử nghiệm bổ cập nước ngầm ở các nhà máy. Vào mùa mưa, sản xuất dư thì dùng nước đã đạt tiêu chuẩn để bổ cập nước ngầm với lưu lượng 2.000m3/ngày. Vào mùa khô thì khai thác lên, tương ứng 2.000m3/ngày.

Còn ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho hay năm nay hạn, mặn gay gắt nhưng đều có cảnh báo trước. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã áp dụng mô hình tích trữ nước và mô hình tưới tiết kiệm để vận động người dân thực hiện và chống mặn trong thời gian diễn ra hạn, mặn. Mô hình trữ nước được thực hiện ở những vùng nhạy cảm xâm nhập mặn như Long Phú - Tiếp Nhựt và vùng Kế Sách. Còn đối với vùng cây ăn trái, nông dân áp dụng mô hình tưới tiết kiệm để vượt qua thời gian hạn hán.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/su-dung-hieu-qua-nguon-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long-i732060/