STEM 'gieo mầm sáng tạo' cho trẻ mầm non
STEAM qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ mầm non sáng tạo, kỹ năng khám phá và áp dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi.
Sáng 19/9, bà Ngô Thị Kim Dung - phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết, Phòng vừa tổ chức Hội nghị tập huấn ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM vào thực hiện Chương trình giáo dục mầm non cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non và cơ sở độc lập tư thục trên địa bàn huyện.
Đợt tập huấn diễn ra trong 2 ngày (từ 17-18/9), đây là đợt bồi dưỡng lần thứ 4 năm học 2024 - 2025. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp phát trên nền tảng Youtube Tổ mầm non - Phòng GD-ĐT huyện Hiệp Hòa với 260 cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non. ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương làm báo cáo viên.
Theo bà Ngô Thị Kim Dung, trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc đổi mới phương pháp giảng dạy là hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu của thế kỷ XXI. Phương pháp giáo dục STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, nghệ thuật) đã chứng minh được hiệu quả trong việc phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, việc áp dụng những phương pháp giáo dục Steam trong giáo dục mầm non sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
"Việc tiếp xúc sớm với các khái niệm cơ bản về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho việc học tập sau này. Các hoạt động giáo dục STEAM được giảng dạy qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ hiểu và áp dụng kiến thức một cách tự nhiên và dễ nhớ. Ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM trong giáo dục mầm non, đồng thời đưa ra các phương pháp cụ thể để tích hợp STEAM vào các hoạt động, qua các hoạt động thực tế cung cấp các ví dụ về trò chơi và các hoạt động giúp trẻ khám phá các đối tượng một cách vui nhộn và phù hợp với lứa tuổi..." - bà Dung nói.
STEAM khuyến khích trẻ em suy nghĩ một cách phản biện và sáng tạo thông qua việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các hoạt động STEAM thường yêu cầu trẻ phải đưa ra giả thuyết, thử nghiệm và rút ra kết luận. Quá trình này giúp trẻ hình thành kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin và đưa ra quyết định, tất cả đều là những kỹ năng cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn tổ chức các hoạt động thực hành tương tác, tạo cơ hội cho giáo viên thảo luận. Đặc biệt, giáo viên tham dự tích cực đặt câu hỏi và thực hiện các bài tập trực tiếp các hoạt động thực hành thiết kế và triển khai các bài học STEAM trong môi trường lớp học. Báo cáo viên cung cấp phản hồi trực tiếp và hỗ trợ cá nhân hóa để giúp giáo viên cải thiện kỹ năng và áp dụng các phương pháp vào thực tiễn giảng dạy.
Sau hai ngày tập huấn đã giúp cán bộ quản lý và giáo viên hiểu rõ hơn về cách ứng dụng, quy trình thiết kế, phương pháp giáo dục STEAM và vào thực hiện các hoạt động giáo dục. Với nội dung thiết thực buổi tập huấn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mở ra một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Sự nỗ lực và học hỏi không ngừng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả phương pháp giáo dục STEAM, từ đó góp phần tạo nên một môi trường học tập sáng tạo và hấp dẫn cho trẻ...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/stem-gieo-mam-sang-tao-cho-tre-mam-non-post701411.html