Sóc Trăng nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU
Để phát triển bền vững ngành Thủy sản, thời gian qua, huyện Trần Đề, địa phương có phương tiện khai thác thủy hải sản nhiều nhất của tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cụ thể với quyết tâm cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' trong năm 2024.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Sóc Trăng về chống khai thác IUU, huyện Trần Đề đã tích cực triển khai nhiều giải pháp với tinh thần quyết tâm cao. Công tác chỉ đạo được quán triệt đến từng địa phương, nhất là chính quyền các xã ven biển; các cơ quan, đơn vị để tăng cường vào cuộc triển khai tháo gỡ “thẻ vàng” IUU.
UBND huyện Trần Đề đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng Biên phòng, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, thành lập tổ tuyên truyền đến tận nhà từng chủ tàu và ngư dân để thông tin kịp thời các chủ trương của Nhà nước trong công tác khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định pháp luật chống khai thác IUU; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản; các quy định về thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu nhận biết tàu cá, ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định, các loại giấy tờ phải mang theo khi hoạt động trên biển; kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay trong bờ đối với tàu cá và ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Anh Quách Trường Xuân, chủ tàu cá thị trấn Trần Đề, chia sẻ: “Trước khi xuất bến mình xuất trình đầy đủ các giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá, bằng thuyền trưởng, máy trưởng, thẻ thuyền viên. Tôi luôn nhắc nhỡ tài công khi khai thác, chỉ khai thác vùng biển nước mình, không vi phạm vùng biển nước ngoài, trong quá trình khai thác phải chấp hành nghiêm các quy định về mở thiết bị giám sát tàu cá, ghi đầy đủ nhật ký khai thác, không vi phạm hành chính... để làm sao ngành thủy sản của mình được nhanh chóng gỡ được "thẻ vàng" để ngành thủy sản mình khai thác thuận lợi và phát triển”.
Toàn huyện Trần Đề có 620 tàu thuyền đánh bắt thủy sản; trong đó, có 320 tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, tàu cá có chiều dài 15 m trở lên đều đã lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình và được cấp, đổi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.
Trong 7 tháng năm 2024, tổng số tàu khai thác hải sản cập cảng là hơn 1.000 lượt tàu, sản lượng hàng thủy sản qua cảng trên 17.000 tấn; lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.481 lượt tàu cá cập, rời cảng; đồng thời hỗ trợ cho 250 chủ tàu/thuyền tải ứng dụng cài đặt và sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử.
Ông Tiến Chương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề, cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Trần Đề về việc tuyên truyền cho ngư dân hiểu, tăng cường công tác phòng chống IUU, UBND thị trấn xây dựng kế hoạch, thành lập tổ tuyên truyền phối hợp với các đơn vị có liên quan đến tận nhà ngư dân, chủ tàu cá tuyên truyền các quy định về Luật Thủy sản, qua đó, giúp cho người dân hiểu và nhận thức đúng về hành vi khai thác vi phạm IUU theo quy định của luật pháp về khai thác thủy sản”.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP tỉnh Sóc Trăng chú trọng rà soát các tàu về công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, các thủ tục ra/vào, xuất/nhập cảng. Tăng cường công tác giám sát các tàu cá qua cảng để đảm bảo nhật ký khai thác rõ ràng, minh bạch về sản lượng khai thác. Xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản; theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS.
“Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các khu vực, địa bàn mà đơn vị được giao quản lý để kịp thời nhắc nhở, xử lý khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan tiến hành rà soát, đến tận nhà để vận động chủ phương tiện và bà con ngư dân thực hiện ký cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, chỉ hoạt động trong phạm vi ngư trường cho phép tại Việt Nam” - Trung tá Lê Tiến Anh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Bình thông tin.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vừa kiểm soát, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, thực hiện cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/soc-trang-no-luc-go-the-vang-iuu-post1117412.vov