Siêu hạm hạt nhân Đô đốc Nakhimov chỉ là 'mục tiêu hấp dẫn' của tàu chiến NATO

Nga thông báo đã sắp hoàn thành việc nâng cấp tuần dương hạm hạt nhân Đô đốc Nakhimov. Mặc dù con tàu sở hữu sức mạnh vượt trội với kho tên lửa đồ sộ nhưng có vẻ nó sẽ không khiến hải quân NATO lo ngại.

Tạp chí National Interest viết, Dự án 1144 Orlan - tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov mặc dù gây ra mối đe dọa cho hải quân các nước NATO, nhưng nó lại là một “mục tiêu cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt đối với tàu ngầm”.

Theo tạp chí Mỹ, việc hải quân Nga tiếp nhận chiếc thứ hai thuộc Dự án 1144.2M "Orlan" "sẽ lấp đầy khoảng trống về năng lực tác chiến và chiến lược của Nga", nhưng "không chứng tỏ một sự thay đổi cơ bản trong hải quân hay quyền lực giữa Nga, NATO và Mỹ".

Ấn phẩm lưu ý rằng việc hiện đại hóa "Đô đốc Nakhimov" từ thời Liên Xô "không thể hiện sự quay trở lại việc đóng các tàu vượt biển lớn của ngành đóng tàu Nga, mà cho thấy khả năng kinh tế của nước này trong việc chế tạo sản phẩm như vậy".

Tở báo Mỹ thừa nhận rằng Nga có thể sử dụng hiệu quả tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng, chẳng hạn triển khai chúng ở ngoài khơi Syria hoặc Libya để chứng tỏ vị thế cường quốc quân sự của mình.

Các chuyên gia của National Interest cho rằng việc tái trang bị một cặp tàu tuần dương hạt nhân Dự án 1144 Orlan (Đô đốc Nakhimov và Peter Đại đế) sẽ cho phép Nga từ bỏ hàng không mẫu hạm Dự án 1143 duy nhất - chiếc Đô đốc Kuznetsov.

Vào tháng 12/2020, tạp chí Mỹ đã đưa ra bảng xếp hạng 5 tàu chiến mặt nước nguy hiểm nhất của hải quân Nga, trong đó đáng chú ý là chiếc "Peter Đại đế" và "Đô đốc Kuznetsov" đứng ở hai vị trí đầu tiên.

Vào tháng 8 cùng năm, tạp chí Forbes nhận định rằng sau khi quá trình hiện đại hóa hoàn tất, Đô đốc Nakhimov sẽ trở thành tàu chiến không chở máy bay mạnh nhất trên thế giới.

Ngoài ra vào tháng 7, RIA Novosti đã viết rằng "Đô đốc Nakhimov" thuộc Dự án 1144 Orlan, sau khi được hiện đại hóa sâu có thể một mình ngăn chặn hạm đội NATO dựa vào kho vũ khí khổng lồ của nó.

Nhận định trên được đưa ra căn cứ vào thực tế là sau khi nâng cấp, Đô đốc Nakhimov sẽ loại bỏ các ống phóng tên lửa Granit lạc hậu để mang tới 480 tên lửa phòng thủ và tấn công các loại, con số cực kỳ ấn tượng.

Dự kiến trên chiếc Đô đốc Nakhimov sẽ có tên lửa chống hạm Kalibr, Oniks và để ngỏ cả Zircon trong tương lai, đi kèm tên lửa phòng không thuộc hệ thống S-300F, Redut-Polyment, tên lửa chống ngầm... mang lại sức chiến đấu toàn diện.

Nhưng vào tháng 10/2019, Đại tá về hưu Viktor Litovkin nói rằng tàu tuần dương hạt nhân Đô đốc Nakhimov, kể cả sau khi quay trở lại hoạt động cũng sẽ không ảnh hưởng đến sự cân bằng sức mạnh giữa hải quân Nga và hải quân Mỹ.

"Hải quân Mỹ có 11 nhóm tấn công tàu sân bay trong khi chúng tôi không có gì cả", nhà quan sát quân sự lưu ý và khẳng định tuần dương hạm hạt nhân Nga không thể một mình chống lại cả hạm đội NATO như vẫn thường nghĩ.

Nhược điểm chính của Đô đốc Nakhimov là nó khó lòng độc lập xác định mục tiêu chính xác từ sau đường chân trời vô tuyến điện từ để dẫn bắn cho tên lửa tầm xa, nó không thể chống lại biên đội tàu chiến NATO có máy bay AWACS cất cánh từ tàu sân bay hướng dẫn.

Bởi vậy không quá lời khi cho rằng con tàu siêu lớn này lúc lâm trận sẽ trở thành "mục tiêu yêu thích" của các chiến hạm NATO, thậm chí còn là "bia tập bắn" lý tưởng nếu tác chiến độc lập một mình như vẫn thường tự tin.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-sieu-ham-hat-nhan-do-doc-nakhimov-chi-la-muc-tieu-hap-dan-cua-tau-chien-nato-post456843.antd