Sẽ giải quyết việc tạm ứng, vay mượn thuốc chống dịch Covid-19

Là phiên thảo luận liên quan đến giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, nhưng đã có nhiều bộ trưởng giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt của Quốc hội. Liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ mình, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sẽ cố gắng tổng hợp sớm các ý kiến để sớm trình phương án giải quyết việc tạm ứng, vay mượn thuốc, vật tư sinh phẩm y tế phòng chống dịch Covid-19.

Chiều 23/5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Siu Hương (Gia Lai) cho biết, theo báo cáo đánh giá, đến nay có 2210/2216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri (đạt 99,7%). Như vậy, các kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ cao. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Các ĐBQH trong phiên họp chiều 23/5.

Các ĐBQH trong phiên họp chiều 23/5.

Việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, theo nữ ĐB, đối với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, có lúc việc lựa chọn vấn đề giám sát tuy rất sâu sắc, đúng nguyện vọng của cử tri nhưng chưa thực sự trúng thời điểm. ĐB ví dụ, cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2009 đến hết năm 2023 được triển khai giám sát trực tiếp khi Quốc hội vừa thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và một số luật có liên quan. Do đó, khi đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiến hành giám sát đã gặp nhiều khó khăn.

Trong một buổi chiều, các ĐBQH cho ý kiến đối với 12 lĩnh vực được nhiều cử tri cả nước quan tâm kiến nghị đã nêu trong báo cáo, như: nông nghiệp nông dân nông thôn, thực hiện chính sách người có công, lao động việc làm, an sinh xã hội, văn hóa thể thao du lịch, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Đồng thời, việc cho ý kiến xung quanh tình hình cử tri kiến nghị còn hạn chế, đó là chưa giải quyết trả lời, hoặc chậm trả lời; trả lời không rõ trách nhiệm…; cũng như các vấn đề mới mà thông qua tiếp xúc cử tri, làm việc với địa phương, các bộ, ngành, ĐBQH nhận được.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, sự quyết liệt của các cấp, các ngành, của người đứng đầu là yếu tố quyết định trong việc giải quyết kiến nghị của người dân.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông, hiện nay Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhận nhiều đơn của các công ty liên quan đến vấn đề cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết.

“Vấn đề này cũng đã được đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết, nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu bày tỏ mong Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên” - ĐB Nguyễn Hữu Thông cho hay.

Có ĐBQH kiến nghị chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Các bộ đều phải rốt ráo trả lời kiến nghị cử tri

Là phiên thảo luận liên quan đến giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, nhưng đã có nhiều bộ trưởng giải trình các ý kiến ĐBQH nêu, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt của Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Việc vay mượn vật tư y tế, thuốc, khi kết thúc dịch thì việc xử lý có vướng mắc do chưa có quy định pháp luật.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Việc vay mượn vật tư y tế, thuốc, khi kết thúc dịch thì việc xử lý có vướng mắc do chưa có quy định pháp luật.

Trả lời liên quan đến vay, mượn thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây cũng là vấn đề hiện Bộ rất quan tâm là thanh toán sau dịch Covid-19.

Bộ trưởng cho hay, việc tạm ứng vay mượn thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, hiện chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh hành vi này. Đợt chống dịch vừa qua, do tình hình cấp bách, một số đơn vị y tế, địa phương phải thực hiện vay, mượn, tạm ứng để có điều kiện đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch.

Khi kết thúc dịch thì việc xử lý có vướng mắc do chưa có quy định pháp luật. Chính vì vậy sau giám sát, Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này và giao Chính phủ đề xuất phương án xử lý. Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng tổng hợp sớm các ý kiến để sớm trình phương án giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời ý kiến ĐBQH cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách chu đáo. Đối với một số vấn đề cử tri chưa hài lòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết.

Về ý kiến của đại biểu liên quan đến Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nghị định này mới được ban hành năm 2016. Trong quá trình triển khai trong thực tế cũng có những điểm bất cập mà bộ cũng đã nhận thức được. Vì vậy, bộ cũng đã tiến hành điều chỉnh nghị định này.

“Lần cuối cùng gần đây nhất, chúng tôi cũng đã có tờ trình để Văn phòng Chính phủ thẩm định lần cuối trước khi trình Thường trực Chính phủ ban hành” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch; kiểm soát đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, để có giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn trong thanh toán, thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, kết nối dữ liệu của công dân, làm sạch dữ liệu để hạn chế tình trạng tài khoản không chính chủ…

Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân

Trước đó, sáng 20/5, Quốc hội nghe Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Báo cáo 37 trang, 11 phụ lục, 373 vấn đề. Tại báo cáo đã nêu tổng số tiếp nhận 2.216 kiến nghị của cử tri, đến nay đã giải quyết, trả lời được 2.210/2.216 kiến nghị, đạt 99,7%.

Đây là tỷ lệ giải quyết, trả lời cử tri cao, thể hiện sự tích cực của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo cũng nêu các kết quả giải quyết của từng cơ quan, tổ chức, đánh giá kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tổng hợp, giải quyết kiến nghị cử tri. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị cụ thể với Chính phủ và bộ, ngành trung ương, nhằm tiếp tục giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/se-giai-quyet-viec-tam-ung-vay-muon-thuoc-chong-dich-covid-19-151449.html