SẼ CÓ THÊM 3 DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, sáng 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CỦNG CỐ NỀN TẢNG, GIA TĂNG SỨC CHỐNG CHỊU VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023, XEM XÉT DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình năm 2023, cụ thể là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách:

Một là, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.

Hai là, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Ba là, bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Bốn là, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ

Với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đề nghị 6 chính sách gồm: Một là, hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Hai là, hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân. Ba là, hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bốn là, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Năm là, quy định về xử lý nợ xấu. Sáu là, quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng – An ninh, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi 02 Luật để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hồ sơ đề nghị xây dựng 02 dự án Luật đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình. Đồng thời, đề nghị trong quá trình xây dựng 02 dự án Luật, Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm tính toàn diện của nội dung các chính sách, báo cáo đánh giá tác động và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật này nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật hiện hành, đặc biệt là trong thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thảo luận tại phiên họp các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án Luật; tán thành với 4 chính sách trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và 6 chính sách trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận và kết luận nội dung về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận và kết luận nội dung về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Kết luận nội dung này, nhấn mạnh thời gián chuẩn bị để trình hai dự án Luật không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, rà soát các chính sách cần phải tiếp tục hoàn chỉnh, các Ủy ban của Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm bao quát các vấn đề, hoàn thiện dự luật với chất lượng cao.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung hai dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đồng thời, giao Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023; giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết

Nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công án nhân dân theo quy trình một kỳ họp

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết về việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đồng thời cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 22 theo hướng: Quy định sĩ quan công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch Nước quyết định và xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch Nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong công an nhân dân; bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an; giao Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân công an.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân ân với những lý do như đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý với các chính sách và tờ trình của Chính phủ và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, bổ sung hồ sơ và chuẩn bị bổ sung vào tờ trình cũng như điều chỉnh các điều khoản đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp

Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Về nội dung dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý với các chính sách và tờ trình của Chính phủ và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, bổ sung hồ sơ, điều chỉnh các điều khoản đề xuất sửa đổi cho phù hợp./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74111