Kỳ 3: Mở rộng lưới an sinh

Tiếp tục mục tiêu gia tăng quyền lợi để giữ người lao động 'ở lại' bảo hiểm xã hội (BHXH), dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nội dung giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Phiên thảo luận tại hội trường dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sáng ngày 27/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV Ảnh: Quốc hội

Phiên thảo luận tại hội trường dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sáng ngày 27/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV Ảnh: Quốc hội

Giữ vững an sinh xã hội

Tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động (NLĐ) để được hưởng lương hưu phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.

Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định NLĐ khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

NLĐ có thời gian đóng BHXH dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu cũng cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu là chính sách tốt, giải quyết nhu cầu của lao động muộn đóng, chậm đóng. Góp phần ổn định cuộc sống lúc xế chiều cũng như giữ vững an sinh xã hội.

“Việc chúng ta giảm từ 20 năm đóng xuống 15 năm hoàn toàn hợp lý. Thậm chí, ở thời điểm nhất định có thể giảm xuống khoảng 10 năm. Bởi, mục đích cuối cùng của chúng ta để làm sao mà nhiều người dân được tham gia BHXH. Khi về già, chế độ lương hưu dù thấp hay cao cũng là một khoản cần thiết để người già chăm lo cho cuộc sống của chính mình”- đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu có thể sẽ dẫn đến việc NLĐ lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm một lần, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những NLĐ tham gia đóng BHXH từ sớm.

Đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục tán đồng quy định này. Chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH là phù hợp với thực tế.

Ảnh 1: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung Ảnh: Quốc hội

Ảnh 1: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung Ảnh: Quốc hội

Khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, thì quy định này tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH.

Từ những ưu việt của chính sách, đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đánh giá Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã đáp ứng kể cả cơ sở lý luận và thực tiễn. Điều này có ý nghĩa to lớn hơn trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 cũng như những xung đột chính trị diễn ra trên thế giới, tác động rất lớn đến vấn đề thu nhập, việc làm của NLĐ cũng như là việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

“Tôi cũng mong muốn chúng ta cần cố gắng làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự luật, đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của NLĐ, vì đối với họ chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả một đời” - đại biểu Trần Thị Thu Phước chia sẻ.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, tổ chức lao động, bản chất BHXH là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên trong xã hội thông qua một loạt các biện pháp công cộng để đối phó với các rủi ro, trước hết là khó khăn về kinh tế, sau đó là cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Xu hướng chung của thế giới là tiếp cận chính sách BHXH trên cơ sở thực hiện bảo đảm quyền con người theo hướng phổ quát BHXH toàn dân. Từ đó, thiết kế chính sách BHXH đa tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự sẻ chia trên cơ sở hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung, được Nhà nước bảo hộ và tham gia đầu tư phát triển bền vững quỹ.

Về những băn khoăn việc đóng ngắn, dài, đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định, về giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm. Nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm NLĐ tham gia BHXH muộn, hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Việc giảm năm đóng bảo hiểm, mức hưởng ở nhóm này sẽ thấp, vì theo nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng, tức là đóng nhiều, hưởng nhiều và ngược lại, tuy vậy định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh, đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.

“Do vậy, tôi cho rằng dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài, nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho NLĐ”- đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-mo-rong-luoi-an-sinh-382826.html