Sâu đầu đen tấn công ồ ạt vườn dừa xứ cù lao

Trong năm 2021, sâu đầu đen xuất hiện tại một số vườn dừa của hộ dân tại xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã làm thiệt hại về kinh tế, thậm chí có nhiều hộ phải đốn bỏ vườn dừa. Hiện tại, sâu đầu đen lại xuất hiện tại vườn dừa của một số hộ dân xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) làm thiệt hại toàn bộ vườn dừa hơn 1ha đang thu hoạch trái. Xác định sâu đầu đen là loài gây hại lớn trên cây dừa, ngành chuyên môn huyện Cù Lao Dung đang tích cực cùng hộ dân triển khai các biện pháp để diệt trừ sâu gây hại, tránh dịch sâu lây lan sang các vườn dừa lân cận.

Sâu đầu đen tấn công vườn dừa làm dừa chết khô toàn bộ cây lá. Ảnh: TL

Theo thống kê của ngành chuyên môn huyện Cù Lao Dung, tổng diện tích dừa trên địa bàn huyện là 2.626ha, được trồng hầu hết tại các xã của huyện, nhưng dừa trồng tập trung nhiều nhất tại xã An Thạnh 2, với diện tích hơn 550ha. Do vậy, việc xuất hiện sâu đầu đen trên dừa đang là nỗi lo lớn không chỉ của hộ dân mà còn của cả ngành chuyên môn, vì nếu dừa bị sâu tấn công, không phát hiện kịp thời để phòng trị, thì khó bảo vệ được vườn dừa trước sự “tàn phá” nhanh của sâu đầu đen.

Sức “phá hủy” của đàn sâu đầu đen là rất lớn, bởi chỉ hơn 1 tháng xuất hiện tại vườn dừa của ông Trần Minh Khải, ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, sâu đầu đen đã gây thiệt hại 100% vườn dừa. Dẫn chúng tôi ra xem vườn dừa toàn là lá khô rũ và tàu dừa rơi kín gốc, ông Khải tâm sự: "Vườn dừa của gia đình tôi trồng đã 9 năm, thu hoạch trái 5 năm, mỗi tháng bán dừa thu về số tiền gần 5 triệu đồng. Nhưng hơn tháng qua, vườn dừa bị chết toàn bộ cây, bởi sâu đầu đen tấn công, mất nguồn thu nhập. Trước tết Nguyên đán 2022, thấy vườn dừa có 4 cây bị héo khô lá, tôi mới vạch thử các tàu lá dừa thấy có sâu, cứ nghĩ vài tháng tới khi mưa xuống, dừa hết sâu nhưng không ngờ chỉ hơn 1 tháng sau, sâu ăn lá dừa làm chết toàn bộ khu vườn. Mặc dù phát hiện sâu trên dừa, tôi không dám phun thuốc diệt sâu, bởi xung quanh vườn dừa của gia đình có nhiều ao nuôi tôm, sợ ảnh hưởng tôm nuôi. Vì vậy, tôi đang chờ chính quyền địa phương hỗ trợ".

Cách vườn dừa ông Khải chỉ vài bước chân là vườn dừa 1ha của ông Trần Minh Phụng, ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2 cũng bị sâu đầu đen tấn công gây thiệt hại 100% diện tích vườn. Theo lời ông Phụng, quan sát thấy vườn dừa nhà ông Khải có sâu đầu đen tấn công, ông ra thăm vườn dừa thấy sâu gây hại đã 7 - 8 liếp dừa và dần đến hết khu vườn 1ha. "Tôi không nghĩ đàn sâu tấn công trên dừa nhanh khủng khiếp như vậy. Chỉ hơn 1 tháng mà 1ha dừa 17 năm tuổi, cây rất cao, lá xanh tốt giờ đây chỉ còn trơ trọi xác cây dừa khô cằn. Vườn dừa 1ha cho nguồn thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, giờ đây chỉ còn cách đốn bỏ để trồng cây mới, bởi không còn cách nào khác do toàn bộ số cây trong vườn đã chết khô" - ông Phụng ngậm ngùi cho biết.

Theo Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cù Lao Dung Cao Thành Tỷ, đặc điểm gây hại của sâu đầu đen là khi tấn công trên cây dừa, sâu sẽ ăn mặt bên trong của biểu bì lá, thải phân ra ngoài, được kết dính bởi sợi tơ bao bọc cơ thể ở bên trong. Sâu tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên, sâu tấn công vỏ trái. Sâu hóa nhộng trong các lá chết, nhộng hóa thành bướm và bay đi nên cần phải có biện pháp quản lý kịp thời để tránh sâu lây lan nhanh cho khu vườn. Do vậy, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu hại. Nếu phát hiện trên dừa có sâu, bà con lập tức cắt tỉa tàu dừa bị sâu và tiêu hủy tàu lá bằng cách đốt tàu lá trên hoặc vùi xuống nước, nhằm làm giảm mật số sâu hại cũng như an toàn cho người và môi trường. Đồng thời sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá.

Nếu vườn dừa bị sâu gây hại nặng có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Flubendiamide (Takumi 20WG), Emamectin benzoate (Angun 5WG, Tasieu 1.9EC)… phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá lúc sâu non, phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Kết hợp việc bảo vệ thiên địch trong tự nhiên để tiêu diệt sâu như: ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kiềm. Đặc biệt lưu ý bà con là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/sau-dau-den-tan-cong-o-at-vuon-dua-xu-cu-lao-55620.html