Rà soát, nghiên cứu kỹ, quy định rõ hơn với 4 dự án Luật sắp thông qua
Chiều ngày 07/2, đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý cho 4 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (Sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ông Hà Phước Thắng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM chủ trì Hội thảo.
Quy định rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền
Góp ý tại Hội thảo, TS.Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được viết lại một cách chung chung, nhiều quy định còn phụ thuộc nhiều vào các Luật chuyên ngành. Tuy nhiên, do Luật chuyên ngành hiện còn thiếu đồng bộ, chồng chéo nên sẽ gây khó khăn cho địa phương. Đại biểu đơn cử Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội dành cho TP.HCM quy định UBND quận và UBND phường đều là đơn vị dự toán ngân sách, gây khó khăn rất nhiều cho các quận tại TP.HCM. Hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho TP.HCM cơ chế để tháo gỡ hạn chế này. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (Sửa đổi) lần này lại tiếp tục quy định UBND quận và phường thành đơn vị dự toán ngân sách là không hợp lý, gây khó khăn cho các địa phương, nhất là những địa phương đang áp dụng cơ chế đặc thù như TP.HCM.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV kiến nghị cần làm rõ cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương vì hiện còn nhiều quy định chồng chéo, chưa rõ.
Liên quan tới nội dung này, đại biểu Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM kiến nghị Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần có quy định hướng đến việc tổ chức Ủy ban hành chính. Điều này sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng giữa UBND và HĐND, đồng thời đảm bảo bộ máy hành chính vận hành linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả. Đại biểu đề nghị cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ và UBND các tỉnh trong việc quyết định danh mục đầu tư dự án. Quốc hội chỉ nên xem xét thông qua các siêu dự án có tính chất đặc biệt, liên quan tới quốc phòng, an ninh, môi trường mang tính vĩ mô.
Nghiên cứu, rà soát kỹ các điều khoản và cân nhắc thời gian thông qua của các dự thảo Luật
Góp ý về Luật Tổ chức Quốc hội, TS.Trần Du Lịch cho rằng các quy định của Luật đang dần hành chính hóa cơ quan Thường vụ Quốc hội. Do đó, cần phải nghiên cứu, xem xét sửa đổi lại. Cũng theo đại biểu, quy định của Luật cần thể hiện rõ Quốc hội không nên là cơ quan hợp pháp hóa ngân sách mà phải là cơ quan kiểm soát ngân sách.
TS.Trần Du Lịch cũng cho rằng Nghị quyết của Chính phủ là để điều hành, nhưng dự thảo Luật lại quy định như là văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi Nghị quyết của HĐND là văn bản quy phạm pháp luật lại bị bỏ. Đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ các điều khoản để tránh hiểu nhầm, gây chồng chéo, khó khăn khi thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng nếu thực sự cần phải sửa đổi Luật thì nên tập trung vào sửa đổi một số điều để đáp ứng nhu cầu tinh gọn bộ máy. Còn các nội dung khác nên nghiên cứu kỹ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi, lâu dài, có hiệu quả. Nếu cần thiết, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=92504