Quyết liệt điều hành, thực hiện hiệu quả các kế hoạch kinh tế, tài chính

Trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước sáng nay, 2.11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, khi vốn đầu tư không thể giải ngân, thì không thể thực hiện vay, nhất là đối với nguồn vốn ODA, làm giảm bội chi. Đây là yếu tố không tích cực, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng. Do vậy, Chính phủ cần lưu ý vấn đề này, quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính bảo đảm hiệu quả thời gian tới.

Nhiều chính sách thu ngân sách biểu hiện sự lạc hậu, bất cập

Nêu vấn đề về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu rõ, nửa nhiệm kỳ qua, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang bước vào giai đoạn mới, góp phần làm nên những kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay, trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, nhưng các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; bảo đảm các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả".

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho rằng, điều hành chính sách tài khóa thời gian qua góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước cả trước mắt và lâu dài. Sự phối hợp của chính sách tiền tệ cũng đồng bộ, hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn Lâm cũng chỉ rõ, chính sách tài khóa thành công là cơ bản, song vẫn còn những băn khoăn trăn trở. Cụ thể, về thu ngân sách, đại biểu chỉ ra, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như: thuế thu nhập cá nhân hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiếu của giá cả, lạm phát, có nội dung đã lạc hậu cả chục năm...

Về vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, thời gian qua, vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà ngân sách Trung ương được hưởng, liên tục đà suy giảm, đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện nay, nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương.

Về bội chi, theo Báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách tính trên GDP luôn được duy trì trong giới hạn an toàn. Thực tế, bội chi thực hiện luôn thấp hơn dự toán, kết quả này có yếu tố tích cực, làm tăng hệ số an toàn cho nợ quốc gia. Song ở khía cạnh khác, khi vốn đầu tư không thể giải ngân nên không thể thực hiện vay, nhất là nguồn vốn ODA, làm giảm bội chi, thì đây là yếu tố không tích cực, vì không hoàn thành kế hoạch đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng cả hiện tại và giai đoạn sau. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, Chính phủ lưu ý vấn đề này, để quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính bảo đảm hiệu quả thời gian tới.

Về sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô, Quốc hội, Chính phủ đã sử dụng linh hoạt, đồng bộ, khá hiệu quả, phù hợp với tình hình tại từng thời điểm, tuy nhiên nhiều biện pháp còn mang tính tình thế, ứng phó, trong đó chứa đựng không ít mâu thuẫn mà chưa phải là biện pháp căn cơ, bền vững. Mặt khác, "các chính sách đề ra để ứng phó bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, khi thế giới và trong nước xáo trộn nhiều bề. Nay đã khác, khi dịch bệnh đã qua, tình hình trở lại quỹ đạo bình thường thì cũng cần thay đổi nhiều bề", đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, việc giảm thuế môi trường với xăng dầu, nguyên liệu bay là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh gay gắt, nhưng việc kéo dài chính sách này đến nay và có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục kéo dài liệu có hợp lý? Hay như việc giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, nếu tiếp tục liệu có phù hợp, vì đây vẫn là mặt hàng chịu thuế tiêu dùng đặc biệt, chưa khuyến khích tiêu dùng, nhất là trong điều kiện ùn tắc giao thông và ô nhiễm khí thải ngày càng trầm trọng ở các đô thị?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho biết, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách giảm, miễn các loại thuế, phí, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, để bù đắp lại khoản thu chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, thì cần tạo điều kiện cho các địa phương có tiềm năng thu từ lĩnh vực khác để bù đắp lại, bảo đảm cân đối hài hòa giữa thu và chi.

Rà soát, cải cách, tinh gọn thủ tục hành chính

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết thêm, đang có những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu đặc biệt, như tinh bột sắn, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su. Nguyên nhân chính xuất phát từ văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế, có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà thẳng thắn, đối với ngành hàng gỗ, sản phẩm từ gỗ và cao su, dăm gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn, chỉ đạo rà soát, xác minh qua các khâu mua hàng, từ F1, F2, đến khâu thu mua là người dân là quá mức cần thiết. Bởi, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng. Với các khâu chưa có thuế, chưa có hóa đơn giá trị gia tăng, thì không phát sinh vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng và gian lận thuế. Vì vậy, việc yêu cầu xác minh cả đối tượng đối với những khâu này là không cần thiết và không có cơ sở.

Trong nhóm các mặt hàng gỗ, sản phẩm gỗ, có những mặt hàng là sản phẩm đã qua khâu chế biến và có giá trị gia tăng cao, như các sản phẩm gỗ dán, gỗ viên nén, doanh nghiệp xuất khẩu có thể dễ dàng được kiểm tra về tính tuân thủ thông qua đầu vào là các nhà máy chế biến và đầu ra đối với các khâu xuất khẩu lâu năm. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn trong ngành thuế đã yêu cầu rà soát, xác minh không phân biệt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chưa chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến là chưa phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, việc xác minh đến tận khâu thu mua từ người dân là chưa phù hợp, nhất quán đối với các quy định của pháp luật hiện hành.

Những quy định bất cập của ngành thuế khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy của dòng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo báo cáo tổng hợp, từ năm 2021 đến tháng 9.2023 của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa được hoàn là 6.100 tỷ đồng. Qua chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đến nay mới hoàn được gần 2.000 tỷ đồng.

Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính. Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm từ rừng trồng hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quyet-liet-dieu-hanh-thuc-hien-hieu-qua-cac-ke-hoach-kinh-te-tai-chinh-i348458/