Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tạo đột phá phát triển

Với triết lý phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả, xã hội nhân văn, hài hòa và bền vững, một chính quyền kiến tạo tích cực… để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, khẳng định Bình Dương đã và đang định hình một hướng đi đúng đắn kết hợp giữa nền tảng lý luận và thực tiễn một cách vững chắc, tạo bước đột phá phát triển mới.

Vượt qua bẫy thu nhập trung bình sẽ khẳng định Bình Dương đã và đang định hình xây dựng một hướng đi đúng đắn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam

Chiến lược 6 trụ cột

Với nhiều nỗ lực, Bình Dương đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bình Dương là 1 trong 4 tỉnh, thành điều tiết về ngân sách Trung ương, đóng góp khoảng 10% của vùng và 4% của cả nước. Ngoài ra, Bình Dương đã và đang tích cực huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông, góp phần tăng tính kết nối vùng, hỗ trợ thông thương và phát triển kinh tế chung.

Đằng sau những thành quả phát triển kinh tế nhanh chóng, tỉnh đang phải đối mặt với những thách thức lớn, gồm bẫy thu nhập trung bình, hạ tầng giao thông quá tải, nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt nhu cầu... Thách thức của Bình Dương trong việc tránh sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn thu nhập trung bình để bước vào giai đoạn phát triển có thu nhập cao là rất lớn. Từ những vấn đề trên, Bình Dương xây dựng chiến lược 6 trụ cột để giải quyết từng khía cạnh, đây là kế hoạch và mục tiêu quy hoạch lớn nhất giúp tỉnh bứt phá trong thời kỳ mới.

Thứ nhất, tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa. Cụ thể, sự thành công về mô hình phát triển theo hệ sinh thái dựa trên việc phát triển các công trình tạo lực, qua đó thúc đẩy sự cộng hưởng về gia tăng giá trị sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh trên nhiều lĩnh vực đã được kiểm chứng sự thành công qua thực tế. Vì vậy, để tránh sự gián đoạn và duy trì tính kế thừa về chiến lược, Bình Dương cần tiếp tục duy trì hướng tiếp cận phát triển theo hệ sinh thái dựa trên các công trình tạo lực thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên quan trọng. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tỉnh cần xác định xây dựng hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, phát triển công nghiệp gắn liền với thương mại dịch vụ, xây dựng những khu đô thị khoa học - công nghệ, công nghiệp để tiếp tục phát huy lợi thế tích lũy của tỉnh qua nhiều năm.

Thứ hai, tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Là tỉnh đi đầu trong công nghiệp, đồng thời đang chịu nhiều sức ép trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới cho nền kinh tế, thay thế động lực dựa trên nhân công giá rẻ. Hơn ai hết, Bình Dương cảm nhận rõ hơi thở của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết bài toán năng suất lao động, chống lại sự tụt hậu. Để thực hiện ý chí đó, Bình Dương đã hiện thực hóa bằng những hành động, dự án cụ thể trong đề án Thành phố thông minh (TPTM). Nhấn mạnh vào 4 yếu tố trụ cột để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ đó là con người (lực lượng lao động và sáng tạo), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), doanh nghiệp (doanh nghiệp và mối quan hệ với doanh nghiệp) và các yếu tố nền tảng (môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng).

Vùng đổi mới sáng tạo với mô hình 5 lớp

Vùng đổi mới sáng tạo với mô hình 5 lớp

Thứ ba, tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp là đề án thành phần trong đề án TPTM, được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển. Bao gồm về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số; phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực. Mỗi lớp đóng vai trò riêng nhưng có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội. Thứ tư, tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững. Thứ năm, tránh bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương. Thứ sáu, tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển đồng đều.

Quy hoạch mang tầm chiến lược

Để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, duy trì được tốc độ tăng trưởng, trở thành khu vực có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người tối thiểu 12.000 đô la Mỹ, Bình Dương đang thực hiện công tác quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch mang tầm chiến lược với mục tiêu đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài khoa học. Mục tiêu cốt lõi của đề án Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược 6 trụ cột giúp Bình Dương vượt qua được bẫy năng suất lao động, bẫy đô thị hóa, bẫy môi trường sinh thái, bẫy phụ thuộc và bẫy bất bình đẳng, tổng hòa lại đưa Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm phát huy được vai trò, vị thế của Bình Dương luôn là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và của cả nước, cùng với đó xây dựng Bình Dương phát triển thịnh vượng, đô thị văn minh, giàu đẹp, thông minh. Việc lập quy hoạch tỉnh cần tạo sự khác biệt hoàn toàn cho Bình Dương và có tầm nhìn tổng quát nhất, có dự án chiến lược, phân kỳ đầu tư chiến lược. Bình Dương đã đạt được thành tựu quan trọng nhưng phải nâng tầm phát triển mới, theo hướng xanh, thông minh và bền vững”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Với những nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong 1/4 thế kỷ qua sẽ giảm dần tác dụng nếu tiếp tục phát triển dựa trên tư duy “kinh tế tỉnh”. Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương cần chuyển sang tư duy phát triển “kinh tế vùng”, thông qua 4 mối liên kết: (1) bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; (2) phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; ( 3) đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng; (4) bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng (nhất là lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn)”.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Bình Dương cần thực hiện một nghiên cứu cả về học thuật và thực tiễn phát triển kinh tế số. Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp tỉnh có được đánh giá tổng thể về kinh tế số tại địa bàn, có định hướng về chính sách và các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số đến năm 2030. Bình Dương cần ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tinh cần chuyển nhanh từ chính quyền điện tử sang chính quyền số và cách tiếp cận triển khai chuyển đổi số toàn diện của tỉnh theo 3 trục: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cần kiên trì, quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh”.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/quy-hoach-giai-doan-2021-2030-tam-nhin-2050-vuot-qua-bay-thu-nhap-trung-binh-tao-dot-pha-phat-trien-a269525.html