Quảng Bình: Bàn giao di tích Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Sau nhiều năm trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh) ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch – Quảng Bình), công trình này đã được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình bàn giao lại cho UBND huyện Quảng Trạch quản lý và khai thác.
Ngày 6/9, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cùng, sở Tài chính, sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cùng UBND huyện Quảng Trạch và công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm đã tiến hành đánh giá thực trạng di tích lịch sử, văn hóa Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh để bàn giao lại cho UBND huyện Quảng Trạch tiếp tục quản lý và khai thác trong thời gian tới.
Theo đó, tại cuộc bàn giao này các bên đã đánh giá thực trạng của công trình ở khu vực trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa ở đền cũ bao gồm khu vực Chính điện, Tiền điện và Nghinh môn. Việc trùng tu khu vực này trên cơ sở giữ nguyên quy mô, không gian hiện có và sắp xếp theo đúng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phú, sửa chữa tôn tạo lại sân vườn, ngoại thất xung quanh đền thờ cũ…
Ngoài việc trùng tu tôn tạo khu vực Đền thờ cũ, một số hạng mục xây dựng Đền thờ mới cũng cơ bản hoàn thành và được bàn giao, một số hạng mục xây mới khu phụ trợ bao gồm bãi đỗ xe, sân đường cảnh quan, nhà khách, văn phòng, bếp ăn… biển tên di tích, hàng rào, cơ bản cũng đã được hoàn thành.
Các bên liên quan đã kiểm tra thực địa, đánh giá hiện trạng thực tế khi được bàn giao và UBND huyện Quảng Trạch đã tiếp nhận hiện trạng của công trình. Một số khu vực chưa được hoàn thành, sẽ dừng thi công như giao thông nội khu vực Đền thờ, hàng rào Đền, bãi đỗ xe – sân đường và các hạng mục chưa đầu tư như Am hóa mã, cải tạo nhà đón tiếp và bàn giao lại cho đơn vị tiếp quản theo đúng hiện trạng tính đến ngày 30/6/2023.
Ông Mai Xuân Thành, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình mong muốn UBND huyện Quảng Trạch sau khi tiếp nhận khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh phải tổ chức quản lý, bảo vệ và khai thác phát triển du lịch theo đúng quy định của pháp luật, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong thời gian tới.
Tại buổi lễ bàn giao, ông Trần Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch gửi lời cảm ơn đến Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm đã dành sự chia sẻ những khó khăn của địa phương, huy động vốn để đầu tư tôn tạo và xây dựng công trình này. Mong muốn thời gian tới phía công ty tiếp tục có sự chia sẻ, hỗ trợ huyện để tiếp tục có nguồn kinh phí hoàn thiện tiếp một số hạng mục công trình để công trình hoàn thiện hơn trong việc đón tiếp người dân và du khách thập phương.
"Tiếp nhận công trình này chúng tôi sẽ nỗ lực để quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả giá trị của di tích trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Với hiện trạng khi được bàn giao, một số hạng mục công trình chưa hoàn thiện chúng tôi sẽ đề xuất và vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để hoàn thiện sớm nhất và mong muốn Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình xem xét lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL xem xét di tích này là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia để xứng tầm với di tích"… ông Trung cho hay.
Di tích lịch sử, văn hóa Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh có tên gọi khác là đền Liễu Hạnh công chúa, đền Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi đền thiêng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, được nhân dân hết lòng tôn kính. Đằng sau lịch sử xây dựng đền là cả một sự tích ly kỳ và bí ẩn.
Tương truyền rằng, công chúa Quỳnh Hoa con gái Ngọc Hoàng sơ ý phạm lỗi mà bị vua cha đày xuống hạ giới. Dưới hạ giới, nàng đã dầy công giúp dân, vì nước, tích phước đức nên sau khi mất nàng được nhân dân tôn kính lập đền thờ Bà Chúa với tên là Liễu Hạnh ở nhiều nơi.
Còn theo truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh, bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng có tên là Quỳnh Hoa, là người mẹ cai quản vùng trời, vị thánh mẫu đứng đầu hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ thờ đạo Mẫu của người Việt. Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được lưu truyền trong dân gian chính là nơi giáng trần của công chúa Liễu Hạnh tại đây.
Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Đèo Ngang và sự tích về công chúa Liễu Hạnh là một phần quan trọng trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đặc biệt đó là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Bình.