Phòng chống bệnh dại ở nơi có số ca tử vong cao nhất trong cả nước như thế nào?

Tỉnh Gia Lai là nơi có số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước, hầu hết bệnh nhân không được tiêm vaccine ngừa bệnh dại sau khi bị chó cắn, mèo cào.

Ca tử vong vì bệnh dại tăng đột biến

Vài tuần đã trôi qua nhưng không khí đau buồn vẫn bao trùm tại gia đình bé K.K. (sinh 2015, trú xã Chư Drăng, huyện Krông Pa). Bé K. tử vong vì bệnh dại vào cuối tháng 9.

Theo người nhà bé K., gia đình không biết bé bị chó cắn, mèo cào lúc nào nên không đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đến giữa tháng 9, bé K. có triệu chứng sốt, mệt mỏi gia đình mới mua thuốc kháng sinh cho uống và chuyển đến Bệnh viện Sản nhi Phú Yên, và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Bệnh nhân K. tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM với tình trạng hôn mê. Tại đây, bệnh viện chẩn đoán bé đã mắc bệnh dại, chuyển biến nặng nên ít ngày sau đó bé K. tử vong.

Trước đó, V Kh. (11 tuổi, trú xã Sơ Pai, huyện Kbang) bị chó cắn nhưng không kể với gia đình. Đến khi Kh bị sốt, nôn, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, mệt mỏi, gia đình đưa em đến bệnh viện. Dù các y, bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé Kh. đã tử vong với chẩn đoán mắc bệnh dại thể hung dữ, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Tỉnh Gia Lai chỉ đạo các địa phương quản lý tốt việc nuôi chó trong khu dân cư, phải cho tiêm phòng bệnh dại đầy đủ.

Tỉnh Gia Lai chỉ đạo các địa phương quản lý tốt việc nuôi chó trong khu dân cư, phải cho tiêm phòng bệnh dại đầy đủ.

Trước các bé K. và Kh., bé Kpuih S. (7 tuổi, trú xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai); Nh (5 tuổi, trú thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa)… cũng tử vong vì bệnh dại. Khai thác tiền sử, gia đình các em đều cho biết sau khi các em bị chó cắn, gia đình đã không cho đi tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng bệnh dại. Đến khi bệnh chuyển biến nặng mới đưa đến cơ sở y tế.

Nhiều hộ dân ở Gia Lai thả rông chó nhưng không rọ mõm.

Nhiều hộ dân ở Gia Lai thả rông chó nhưng không rọ mõm.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, riêng 9 tháng đầu năm nay, số ca mắc bệnh dại tăng đột biến ở địa phương với 11 người đã tử vong (huyện Đức Cơ 3 người; các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Kông Chro, Đak Đoa, Kbang, Krông Pa và Pleiku mỗi địa phương 1 người).

Gia Lai hiện là tỉnh có số người tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm giám sát bệnh tại một số điểm giết mổ chó trên địa bàn Pleiku và Đức Cơ đã phát hiện 3/20 mẫu dương tính với virus dại. Điều này cho thấy nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao ở Gia Lai.

Phòng, chống bệnh dại bằng cách nào?

Theo khuyến cáo của ngành y tế địa phương, ngay khi bị động vật cắn, nhất là chó, mèo, cần phải xử lý ngay tại chỗ vết thương và đến các cơ sở y tế, các điểm tiêm phòng bệnh dại để được bác sĩ khám và chỉ định cụ thể. Đây là việc làm rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người bị động vật cắn và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh dại.

Cùng với khuyến cáo của ngành y tế, UBND tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo các địa phương phải thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh. Chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo.

Khi bị chó cắn cần đến cơ sở y tế hoặc điểm tiêm phòng để được thăm khám hoặc tiêm vaccine phòng bệnh dại (ảnh minh họa).

Khi bị chó cắn cần đến cơ sở y tế hoặc điểm tiêm phòng để được thăm khám hoặc tiêm vaccine phòng bệnh dại (ảnh minh họa).

Tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt. Phải giúp cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) hiểu về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại…

Ngành y tế địa phương phải tổ chức thực hiện giám sát bệnh dại trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm chủ động. Tham mưu tổ chức, bố trí đầy đủ các điểm tiêm phòng, vật tư trang thiết bị để điều trị dự phòng bệnh dại cho người. Đảm bảo mỗi địa phương cấp huyện có ít nhất 1 điểm tiêm phòng bệnh dại.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó, mèo ra, vào địa phương. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai trong việc hướng dẫn điều tra dịch tễ, xử lý ổ bệnh dại khi phát hiện có trường hợp người mắc bệnh dại do chó cắn, mèo cào.

Nhiều ca tử vong vì bệnh dại ở lứa tuổi học sinh nên ngành giáo dục và đào tạo Gia Lai cũng được yêu cầu phải phối hợp với cơ quan liên quan truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại thật bài bản để giáo viên cũng như học sinh nắm rõ.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-chong-benh-dai-o-noi-co-so-ca-tu-vong-cao-nhat-trong-ca-nuoc-nhu-the-nao-16923101611400121.htm