PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI: PHẢI BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG DỰ ÁN LUẬT TRƯỚC KHI TRÌNH QUỐC HỘI

Phát biểu kết luận hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng dự án Luật trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm tới dự án Luật này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần chủ trì họp yêu cầu dự án Luật lần này phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng các quy định, thể thức yêu cầu khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với mục tiêu dự án Luật lần này phải là dự án luật mẫu của Quốc hội khóa XV.

Phát biểu kết luận nội dung này tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua các ý kiến phát biểu tại hội nghị cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật một cách cầu thị, nghiêm túc, kỹ lưỡng; giải trình rõ những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; ghi nhận sự đổi mới mạnh mẽ trong nội dung dự thảo Luật lần này để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trong dự thảo Luật và thể hiện như khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật là phù hợp; tuy nhiên quy định Thanh niên xung phong hy sinh, đã được công nhận liệt sĩ, có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cần nghiên cứu, cân nhắc quy định cho phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu cũng nhất trí cần tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến cho những cá nhân, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao thành tích nhằm giải quyết những trường hợp còn tồn đọng.

Trên cơ sở các nội dung được các đại biểu góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu về một số nội dung liên quan đến việc khen thưởng các đối tượng ngoài nhà nước; khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; danh hiệu chiến sỹ thi đua, danh hiệu thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa; việc phân định vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp; nội hàm, quy định cụ thể về Huân chương đại đoàn kết dân tộc; thẩm quyền khen của Đại học Quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ; về đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí, thẩm quyền đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm... Đồng thời đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn khi dự án Luật được Quốc hội thông qua để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại hội nghị, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức theo quy định để dự án Luật đảm bảo chất lượng trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3./.

Thu Phương – Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63222