Phát huy vai trò của Hội LHPN cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa hiện nay

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nội dung cụ thể của tiến trình cơ cấu lại kinh tế trên địa bàn nông thôn và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện và chăm lo đời sống Nhân dân, phát triển bền vững trên địa bàn nông thôn.

Hội viên, phụ nữ thôn Xuân Lập chăm sóc đường hoa, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng thành công thôn NTM kiểu mẫu.

Trong những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ nói chung và Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) cấp xã tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã tích cực tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn (hiến đất làm đường, lắp đặt thiết bị chiếu sáng, bê tông hóa đường nội đồng...); tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”1; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có giá trị cao; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng các hoạt động chuỗi kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ/nhóm liên kết).

Đồng thời, đã chủ động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phối hợp thực hiện hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn giúp hội viên phụ nữ vay để phát triển kinh tế gia đình; giúp phụ nữ thoát nghèo, giúp phụ nữ cận nghèo nâng cao mức sống; các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn được đẩy mạnh, chú trọng các địa bàn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Các mô hình tham gia bảo vệ môi trường của tổ chức Hội được triển khai thực hiện hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng như mô hình: “Ngày thứ 7 xanh”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Nhà sạch, vườn mẫu”, “Đường hoa phụ nữ”, “Đoạn đường xanh”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”... Qua các mô hình đã góp phần tạo cảnh quan tươi mới, giàu sức sống, tô điểm thêm cho diện mạo các làng quê. Qua đó, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của tổ chức hội trong xây dựng NTM, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Cùng với những việc làm góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ các cấp nói chung, Hội LHPN cấp xã tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã tích cực tham gia phát triển sản xuất, phát động phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP”. Từ đó khẳng định vai trò của phụ nữ trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với sự chung tay góp sức của Hội phụ nữ các cấp, trong đó phải kể đến vai trò và sự đóng góp quan trọng của Hội LHPN cấp xã, Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rất nhanh và rõ nét, đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:

Đến tháng 3-2023, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện: Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Nông Cống đạt chuẩn NTM; TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có 352 xã, 700 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã; 317 sản phẩm OCOP (có 1 sản phẩm OCOP quốc gia).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Hội LHPN cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số tổ chức hội chưa chủ động, tích cực và phát huy trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới; nội dung sinh hoạt và chương trình hành động có phần chưa bám sát với nhiệm vụ xây dựng NTM; số lượng các mô hình kinh tế tập thể có sự tham gia quản lý của phụ nữ chưa nhiều; sự kết nối giữa các Hợp tác xã/Tổ hợp tác, nhóm liên kết trong sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ với các doanh nghiệp, nhà khoa học chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; việc phát huy vai trò của phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường nông thôn có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả bền vững…

Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã tỉnh Thanh Hóa đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, tổ chức hội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Hội LHPN cấp xã cần tăng cường tuyên truyền cho hội viên phụ nữ về sự cần thiết và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đối với sự phát triển của quê hương, đất nước; triển khai cụ thể đến hội viên phụ nữ những Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động và khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM tại địa phương.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, thu hút đông đảo chị em tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tích cực hưởng ứng phong trào “5 không, 3 sạch” gắn với các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Thứ ba, Hội LHPN cấp xã phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, phát huy thế mạnh đặc thù của giới nữ, lựa chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức cho từng cán bộ, hội viên đăng ký các công trình/phần việc cụ thể, bám sát nhiệm vụ xây dựng NTM, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với những giải pháp trên, mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, từ đó phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những thử thách khó khăn để chung tay, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, hướng tới xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước./.

ThS. Lê Đình Tư - Lê Thị Thảo, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

---------------

1 Cuộc vận động gia đình “5 không, 3 sạch”: 5 không (xây dựng gia đình không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; gia đình không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học); 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-lhpn-cap-xa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-thanh-hoa-hien-nay/184137.htm