Giá vàng leo đỉnh, PNJ 'bỏ túi' 915 tỷ đồng sau 4 tháng

Thị trường vàng giao dịch sôi động đã khiến doanh thu từ kinh doanh vàng 24K của PNJ tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 21/5, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có báo cáo tình hình kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024. Theo đó, đơn vị này có doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Với mức doanh thu này, PNJ đã đạt hơn 43% kế hoạch cả năm.

Doanh thu bán lẻ vẫn chiếm thế chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của PNJ với tỷ trọng hơn 49% và bán sỉ chỉ chiếm 7,6%, hơn 43% còn lại thuộc về doanh thu từ vàng 24K và mặt hàng khác.

“Doanh số bán lẻ của chúng tôi duy trì được mức tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới khách hàng, tăng cường tỷ lệ quay lại của khách hàng cũ”, đại diện PNJ thông tin.

Bán lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu doanh thu của PNJ, trong đó doanh thu từ vàng 24K đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. (Ảnh: Đ.V)

Bán lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu doanh thu của PNJ, trong đó doanh thu từ vàng 24K đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. (Ảnh: Đ.V)

Điểm đáng chú ý trong báo cáo kinh doanh của PNJ chính là việc kinh doanh vàng 24K đã có sự “lột xác”. Doanh thu từ vàng 24K trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ chiếm hơn 31% trong cơ cấu tổng doanh thu của PNJ thì 4 tháng đầu năm nay đã chiếm đến hơn 42% doanh thu.

Doanh thu từ vàng 24K của PNJ trong 4 tháng đầu năm nay đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự sôi động của thị trường vàng.

Mới đây, trong đại hội cổ đông thường niên 2024, nhiều cổ đông quan tâm nhiều đến nguồn cung vàng và việc dự trữ vàng nguyên liệu trong năm nay cũng như cách thức mua vàng của PNJ.

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty PNJ cho biết, doanh nghiệp không thể trữ vàng đủ cho năm 2024 vì lượng vàng sản xuất mỗi năm lên tới hàng chục tấn và giá biến động theo giờ. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng việc mua vàng vào lúc nào để đảm bảo giá vốn.

Theo bà Dung, nếu giá vàng quá cao, doanh nghiệp sẽ chủ động giảm nhịp độ sản xuất. Đây là kỹ năng trong kinh doanh vàng, ban lãnh đạo công ty sẽ phân tích để quyết định mua vàng hay không mua vàng dự trữ.

“Ví dụ trong ngày vía Thần Tài, công ty phải tính toán dự trữ vàng từ tháng 10, tháng 11 năm trước. Nếu để sát ngày Thần Tài mới mua dự trữ thì giá vàng rất cao”, bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, hiện nay, PNJ đang mua vàng từ nhiều nguồn như từ nhà bán lẻ, mua từ đại lý, từ người dân mua đi bán lại để đáp ứng cho hơn 400 cửa hàng. Doanh nghiệp sẽ không mua hàng không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ vì công ty luôn kê khai minh bạch.

Thị trường kinh doanh trang sức sôi động trong thời gian qua. (Ảnh: Đ.V)

Thị trường kinh doanh trang sức sôi động trong thời gian qua. (Ảnh: Đ.V)

Trở lại với báo cáo kinh doanh mới nhất của PNJ, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này trong 4 tháng qua đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thế đạt 915 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 44% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp trung bình 4 tháng năm 2024 của PNJ đạt 17%, giảm so với mức hơn 19% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ, cơ cấu doanh thu, sự biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.

Tổng chi phí hoạt động 4 tháng đầu năm nay của PNJ tăng hơn 29,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ Chi phí hoạt động/Lợi nhuận gộp 4 tháng tăng từ mức 52% lên mức 57% do sự thay đổi về hành vi mua sắm của khách hàng.

ĐẠI VIỆT

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-vang-leo-dinh-pnj-bo-tui-915-ty-dong-sau-4-thang-ar872353.html