Phát huy giá trị di sản cầu Long Biên trong cảnh quan đô thị đương đại

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên phải được ứng xử một cách có văn hóa, coi cầu Long Biên như phần máu thịt của một cơ thể sống - Thủ đô Hà Nội. Dù đã cũ kỹ, già nua nhưng cầu Long Biên cần được thổi thêm luồng sinh khí mới để có cơ hội hòa mình một cách đĩnh đạc, chính danh vào cuộc sống đương đại.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, mà dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại.

Dù vậy, đến lúc đó cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ khách tham quan, du lịch. Vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Đó cũng là nội dung được đề cập tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên”. Ảnh: Thạch Thảo

Giảm bớt công năng giao thông, tăng dần công năng văn hóa

Cầu Long Biên là một trong hai cây cầu thép lớn nhất thế giới đầu thế kỷ XX, được người Pháp khởi công xây dựng năm 1899 bắc qua sông Hồng và đưa vào sử dụng năm 1902. Ở Việt Nam, cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, nối liền tuyến giao thông đường sắt huyết mạch nối cửa biển Hải Phòng với vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời nối Hà Nội với Đồng Đăng (Lạng Sơn), bắt đầu cho kỷ nguyên khai thác đường sắt.

Cây cầu còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi giá trị lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như là một di sản đô thị của Hà Nội. Quá trình tôn tạo phải tuân thủ các tiêu chí về bảo tồn. Do đó, cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa của cây cầu này để vừa bảo tồn, tôn tạo và phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này.

Cầu Long Biên vào năm 1940. Ảnh tư liệu

Nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng chia sẻ qian điểm đồng tình với giải pháp phục chế cơ bản giữ được nguyên trạng như thời kỳ cầu đã được xây dựng và khai thác hết chức năng của thời Pháp thuộc. Sau phục chế sẽ thay đổi chức năng cầu, bằng cách tổ chức toàn bộ tuyến, vùng hẹp và bản thân cầu thành một không gian sáng tạo có khả năng chuyển đổi linh hoạt. Không gian trên cầu cần được đặc biệt chú trọng tổ chức khéo léo để tạo tốt hướng tuyến chuyển động tham quan tương tác bằng loại hình bộ hành.

Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc đầu tư cho phục dựng và cải biến chức năng của cầu không cần và không nên mỏi mòn chờ đợi từ nguồn viện trợ. Vì nếu không còn tiếp tục sử dụng cầu với chức năng chính là kết nối giao thông cơ giới, thì định mức cho việc bảo tồn phát huy cũng sẽ giảm đáng kể. Từ đó tính khả thi, kể cả hình thức xã hội hóa cũng càng có thể thực hiện một cách hài hòa và dễ dàng hơn.

Cầu Long Biên ngày nay. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Đi sâu vào những giải pháp cụ thể, KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đề xuất việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên cần dựa trên hai chức năng chính. Thứ nhất, là chức năng giao thông phục vụ du lịch khu vực nội đô, chỉ sử dụng cho tàu du lịch nội đô và phương tiện giao thông nhẹ hoạt động trong khu vực nội thị. Thứ hai là bảo tàng - không gian lịch sử giao lưu văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, quốc tế kết hợp xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu lịch sử cây cầu tại ga Long Biên và tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật lấy không gian văn hóa lịch sử cầu Long Biên làm trọng tâm...

Trong khi đó, ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đề xuất việc nhường chỗ lòng đường xe lửa hiện nay cho tuyến đi bộ và thiết kế những tụ điểm văn hóa ở trên cầu. Xây dựng cầu Long Biên thành cầu đi bộ, biến cầu thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng để trở thành điểm đến độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới.

Bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần gắn kết với quy hoạch đô thị sông Hồng

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội từ Thăng Long đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai. Và cầu Long Biên đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể thay thế trên trục cảnh quan sông Hồng nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung.

Do đó, hội thảo thống nhất quá trình nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên nên gắn kết cùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Việc chuyển đổi bãi giữa sông Hồng thành công viên trung tâm của thành phố, kết hợp với cầu Long Biên sẽ tạo thành một không gian mở đan xen với các không gian đô thị hiện hữu, làm nên một cảnh quan tuyệt đẹp của Thủ đô và cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách bốn phương. Và khi đó, cây cầu Long Biên lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo Quyết định số 1045/QĐ-UBND.

KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nhấn mạnh trong quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng, cần xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào.

Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực, cần tôn trọng tối đa quy hoạch chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Cùng với việc nghiên cứu tổ hợp cầu vào điểm nhấn cảnh quan, kết hợp tạo không gian khu vực tương hỗ hài hòa. Tốt nhất nên lựa chọn là dạng không gian thiên về công viên xanh bao quanh, kết hợp tổ chức các không gian thành phố sáng tạo phù hợp theo hướng liên kết hoạt động sôi động.

Cầu Long Biên qua khu vực bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Minh Tiến

Về giải pháp quy hoạch môi trường cảnh quan xung quan cầu Long Biên, ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Tham tán Công sứ thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, đề xuất việc áp dụng đào đường hầm cho ô tô chạy, đồng thời nửa dưới đường hầm vẫn thoát nước mưa nhỏ và khi mưa to thì cấm xe và cho nước thoát qua toàn bộ đường hầm. Giải pháp này được cho là góp phần giải quyết đồng thời chống ngập, chống ùn tắc đô thị thay thế cho các đường cao tốc trên cao và không làm hỏng cảnh quan đô thị.

Trong khi đó, theo KTS. Trần Thanh Bình, nghiên cứu viên cao cấp Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì thực tiễn các quy hoạch xây dựng các đại công viên trong các đô thị lịch sử gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị, thông qua một đại sân khấu kể chuyện mang tính nghệ thuật sử thi về những chủ đề đặc trưng, thường thu hút lượng khách du lịch rất lớn.

“Cầu Long Biên phải được xác định như một chủ đề mang tính kiến tạo cho không gian công viên bãi giữa sông Hồng và cũng cần được chiếm một tỷ trọng diện tích đủ lớn để thực hiện chủ đề này. Một không gian với diện tích 25.000m2 - 30.000m2 trong công viên văn hóa trung tâm tại Bãi Giữa, khu vực chân cầu Long Biên hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến văn hóa, nghệ thuật lý tưởng của du khách”, ông Bình đề xuất.

Điều ít biết về cầu Long Biên

Dự án xây dựng cầu Long Biên được Toàn quyền Đông Dương thông qua ngày 4.6.1897 và đã tiến hành đấu thầu với sự tham dự của 6 công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp. Hội đồng mở thầu đã chọn phương án của công ty Daydé & Pillé với giá 5.390.794 franc Pháp. Cây cầu được thiết kế với kiểu dáng độc đáo do hãng Daydé & Pillé thiết kế, giống dáng cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris - Orleáns, Pháp.

Ngày 12.9.1898 diễn ra lễ khởi công xây dựng và sau 3 năm 9 tháng thì hoàn thành, dù kế hoạch dự trù phải mất 5 năm.

Tên cầu lúc đầu là Paul Doumer (tên của toàn quyền Đông Dương) nhưng dân gian thường gọi là cầu Bồ Đề (làng đầu cầu) hoặc gọi là cầu Gia Lâm (sang huyện Gia Lâm) hoặc cầu Sông Cái, quan lại còn thường gọi là cầu Đô Mỹ (phiên âm chữ Doumer). Từ sau cách mạng tháng tám 1945 được gọi là cầu Long Biên.

Để xây dựng cầu, người ta phải tuyển mộ hơn 3.000 công nhân bản xứ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp điều hành công việc. Người ta đã dùng đến 30.000m³ đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Tổng số tiền thực chi lên tới 6,2 ngàn franc Pháp.

Với khẩu độ bắc qua sông dài đến 2290m, có 19 nhịp đầm thép tổ hợp không gian, đặt trên 20 trụ cao hơn 40m bằng bê tông, bản thân cầu Long Biên khi xây dựng xong đã đạt kỷ lục thời bấy giờ là cầu dài thứ hai thế giới (sau cầu Brooklyn bắc qua sông East, New York được xây 1883).

Cột trụ đá thân cầu thép được xây dựng từ người Việt Nam là chủ yếu với kỹ thuật hiện đại lúc đó như giếng chìm khí nén để xây dựng mố trụ cầu (sâu 30m dưới mặt nước), lắp ráp dầm và thân cầu thép cũng bởi người Việt Nam (thay cho người Hoa lúc đầu). Vậy nên có thể xem đây là di sản vật thể có giá trị khoa học thể hiện năng lực của người Việt.

Khánh thành làn đường bộ trên cầu Doumer (cầu Long Biên) năm 1924. Ảnh tư liệu của ANOM.

Chứng nhân lịch sử

Vào ngày 2.9.1945, chiếc cầu đã dẫn lối cho đồng bào đến Thủ đô chứng kiến thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Cầu Long Biên cũng chứng kiến hình ảnh những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội để bộ đội ta vào tiếp quản theo Hiệp định Giơ-ne-vơ vào tháng 10.1954.

Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cầu đóng vai trò quan trọng trong đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Để bảo vệ cầu, bộ đội công binh và phòng không Việt Nam xây dựng hai trận địa pháo phòng không cao 11,5m trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi giữa), để vẫn có thể bắn máy bay Mỹ khi có lũ cao nhất. Bộ đội Phòng không Việt Nam dùng máy bay trực thăng cẩu pháo, khí tài chiếm lĩnh trận địa. Ngoài ra còn có lực lượng phòng không hải quân gồm: các tàu tuần tiễu tham gia bảo vệ cầu.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1 - Chiến dịch Sấm Rền (1965 -1968), cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn; chiến dịch Linebacker II của không lực Hoa Kỳ (1972), cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1.500 mét cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt.

Sau Hiệp định Paris qua hơn 40 ngày đêm sửa chữa, ngày 4.3.1973 chuyến tàu đầu tiên lại vượt sông Hồng.

Bài và ảnh: Thạch Thảo

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-cau-long-bien-trong-canh-quan-do-thi-duong-dai-41482.html