Pháp sắp dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia

Tình trạng bất ổn diễn ra trong bối cảnh cơ quan lập pháp của Pháp ở Paris tranh luận về việc sửa đổi hiến pháp Pháp để thay đổi danh sách cử tri ở New Caledonia.

 Tình trạng khẩn cấp được ban bố ở New Caledonia từ ngày 15/5. Ảnh: Reuters

Tình trạng khẩn cấp được ban bố ở New Caledonia từ ngày 15/5. Ảnh: Reuters

Tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia, nơi xảy ra bạo loạn những ngày qua, sẽ được dỡ bỏ vào lúc 8h tối ngày 27/5 theo giờ Paris, tức 5h sáng 28/5 trên vùng lãnh thổ hải ngoại này của Pháp. Tổng thống Pháp cho biết, đây là động thái nhằm tạo điều kiện để đối thoại chính trị.

Trong một tuyên bố hôm 26/5 (giờ địa phương), Điện Elysee cho biết: “Tổng thống đã quyết định tạm thời không gia hạn tình trạng khẩn cấp” vượt quá thời hạn pháp lý là 12 ngày để tạo điều kiện tổ chức các cuộc họp với đảng FLNKS ủng hộ độc lập.

Thông báo trên cho biết thêm rằng, 480 hiến binh đã được điều đến tiếp viện tại vùng lãnh thổ của Pháp trên Thái Bình Dương.

Tại sao lại có tình trạng khẩn cấp?

New Caledonia, nằm cách nước Pháp khoảng 17.000 km, trở thành thuộc địa của Paris kể từ năm 1853.

Tuy nhiên, nhiều người Kanak bản địa hiện vẫn phản ứng trước việc Pháp nắm quyền lực đối với các hòn đảo của họ và muốn có quyền tự trị hoặc độc lập hoàn toàn hơn.

Paris đang lên kế hoạch trao quyền bầu cử cho hàng nghìn cư dân dù không phải là người bản địa, song đã cư trú lâu dài trên lãnh thổ.

Nhưng người Kanak cực lực phản đối động thái này. Họ nói rằng điều đó sẽ làm giảm bớt sức ảnh hưởng từ lá phiếu bầu của họ.

Sau khi đề xuất nói trên làm dấy lên tình trạng bất ổn trên đảo, Paris đã áp đặt tình trạng khẩn cấp vào ngày 15/5.

Các biện pháp khẩn cấp đã tăng cường quyền lực của cảnh sát và trao cho chính quyền nhiều quyền hành hơn để ứng phó với bạo lực, bao gồm khả năng quản thúc tại gia đối với những người bị coi là mối đe dọa đối với trật tự công cộng. Nó cũng trao quyền mở rộng để tiến hành khám xét, thu giữ vũ khí và hạn chế di chuyển, có thể phạt tù đối với những người vi phạm.

Chính phủ Pháp cũng điều động hàng trăm cảnh sát và binh lính tiếp viện để lập lại trật tự trên quần đảo này.

Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang nỗ lực kiểm soát một số quận của thủ phủ Noumea.

Nhà chức trách cho biết sân bay quốc tế của thành phố này sẽ tiếp tục đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại cho đến ít nhất là ngày 2/6.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ không ép buộc thực hiện cải cách bầu cử theo kế hoạch tại vùng lãnh thổ New Caledonia ở Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ không ép buộc thực hiện cải cách bầu cử theo kế hoạch tại vùng lãnh thổ New Caledonia ở Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Tổng thống Macron nói gì?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bay tới quần đảo ở Thái Bình Dương hôm 23/5 trong nỗ lực khẩn cấp nhằm tháo ngòi khủng hoảng.

Ông đã cam kết trong chuyến đi rằng các kế hoạch cải cách bầu cử “sẽ không bị ép buộc phải thông qua”.

“Bạo lực không bao giờ được phép bén rễ”, ông Macron phát biểu với các nhà báo khi kết thúc chuyến thăm, đồng thời nói thêm rằng tất cả các rào cản cần được dỡ bỏ “ngay lập tức”.

FLNKS hôm 25/5 đã nhắc lại yêu cầu của đảng này về việc thu hồi các cải cách bầu cử sau cuộc gặp với ông Macron.

Tổng thống Pháp cho biết, ông sẵn sàng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về những thay đổi gây tranh cãi ấy.

Hoàng Bách (Theo AP, Reuters, AFP)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/phap-sap-do-bo-tinh-trang-khan-cap-o-new-caledonia-post289957.html