Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhân loại
Các danh hiệu của UNESCO không chỉ minh chứng cho một Việt Nam tươi đẹp, đa dạng cảnh quan, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời mà còn là điểm đến thu hút hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm. Việt Nam cũng được UNESCO đánh giá là quốc gia tích cực trong bảo tồn di sản.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO, bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố học tập toàn cầu UNESCO, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế.
Nhiều thành tựu quan trọng
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản nhân loại tại Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần hình thành thương hiệu quốc gia và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Một trong những dấu mốc quan trọng là Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) với chủ đề: "50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo", do Bộ VHTTDL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức tháng 9/2022. Đây là sự kiện quốc tế thể hiện vị thế, vai trò tích cực của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, tham gia Công ước 1972 từ ngày 19/10/1987, 35 năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước. Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Kể từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.
Chỉ riêng năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan với tổng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.
Để tiếp tục bảo đảm thực thi nghiêm túc những cam kết với UNESCO, Việt Nam tích cực nghiên cứu, cập nhật những thay đổi của Hướng dẫn thực hiện Công ước và chủ trương, chính sách mới của UNESCO theo xu hướng hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực, tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương có Di sản thế giới, cần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của mình hơn nữa. Cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào quản lý di sản thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng bộ công cụ giám sát về tình trạng bảo tồn đảm bảo tính khả thi trên cơ sở tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam; cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này. Tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản để cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam-UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.
Tại Lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong bảo tồn các di sản của nhân loại. Lễ kỷ niệm được tổ chức với mục đích "kép", là lễ kỷ niệm lần thứ 50 của Công ước Di sản Thế giới, có mục đích xác định và gìn giữ các di sản tự nhiên và di sản văn hóa đại diện cho các di sản chung của nhân loại và thứ hai là kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này. Lễ kỷ niệm kép này cũng chính là dịp đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam.
Tổng Giám đốc UNESCO cũng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình, và cho rằng Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng, cần đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có. Cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An.
Một sự kiện quan trọng nữa là Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh lần đầu tiên được Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Liên hoan diễn ra cùng với các sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2023 hội tụ 15 đoàn nghệ nhân dân gian đến từ 13 tỉnh, thành phố, nơi có các di sản: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Nhã nhạc Cung đình Huế; Ca trù; Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Thực hành then Tày, Nùng, Thái; Nghề làm gốm của người Chăm; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ… Trong đó, mỗi loại hình là một sản phẩm tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Liên hoan thu hút gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên của các đoàn. Các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể đã mang đến Liên hoan những giá trị hồn cốt, bản sắc của từng di sản, thông qua các phần trình diễn và thực hành theo đúng nguyên gốc.
Ngoài những buổi trình diễn phục vụ nhân dân và du khách, Liên hoan có các hoạt động nhằm cổ vũ việc truyền dạy của các nghệ nhân dân gian tới thế hệ trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất để vừa bảo tồn và truyền dạy để di sản văn hóa phi vật thể được sống, được lưu truyền trong cộng đồng theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau
Trong hơn 2 năm vừa qua, 2 di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là Nghệ thuật Xòe Thái (15/12/2021) và Nghề làm Gốm của người Chăm (29/11/2022). Việc UNESCO ghi danh các di sản của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa khẳng định những giá trị di sản phong phú của Việt Nam mà còn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa dân tộc. Vì thế, trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản càng lớn lao hơn.
Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản UNESCO ghi danh ở một số địa phương đã được UNESCO đánh giá rất tốt. Trong đó có: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An (Quảng Nam). Một số di tích được đánh giá tiến bộ trong công tác khảo cổ học phát lộ ra nhiều di tích quan trọng tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); việc thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững thông qua các Công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông…. UNESCO cũng đánh giá cao việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản lý và bảo vệ giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới; việc tận dụng các danh hiệu của "Chương trình Ký ức thế giới" ở cấp độ thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các danh hiệu thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu tại Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang và nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO; việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.
Sự quan tâm, đồng lòng, chung tay của các cấp chính quyền cùng Bộ VHTTDL đối với sự nghiệp bảo vệ di sản nhân loại ngày càng nâng cao. Tháng 7/2023, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”. Một lần nữa, những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản được chia sẻ. Bên cạnh đó, các bài học, các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.
Quảng Nam là tỉnh có 2 Di sản Văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó còn có Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự và tự hào, Quảng Nam cũng đối mặt với những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại gắn với sự phát triển bền vững của địa phương khi sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng có thể đe dọa các Giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của các di sản.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm: "Một trong những biện pháp được tỉnh Quảng Nam xem là hiệu quả nhất và có tính bền vững chính là phát huy vai trò của cộng đồng đối với công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Để di sản văn hóa thế giới được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần thu hút du khách và phát triển du lịch thì phải cần đến sự chung sức của cả cộng đồng, cần có cơ chế chính sách đúng đắn, trong đó đề cao và đặt lợi ích của cộng đồng từ việc phát huy giá trị di sản được bảo tồn thông qua phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư là đối tượng hưởng lợi lớn từ du lịch cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vậy mà thành phố Hội An là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; các di sản được UNESCO vinh danh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không những tránh được nguy cơ hư hại, xuống cấp, mai một, mà quan trọng hơn đã phát huy hiệu quả giá trị, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có di sản và của tỉnh Quảng Nam nói chung".
Để Tràng An được đánh giá là hình mẫu về du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc vận dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo vệ, khai thác thế mạnh của di sản thế giới này. Qua đó, người dân có thu nhập bền vững ngay giữa lòng di sản.
Tràng An là một di sản đặc biệt khi trong vùng lõi hiện có tới 14.000 người dân sinh sống. Đây là thách thức rất lớn đối với Ninh Bình trong việc bảo tồn, gìn giữ tính nguyên vẹn của di sản, nhưng cũng là thế mạnh để tạo nên sự khác biệt của Tràng An giữa đất cố đô Hoa Lư. Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972); kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản, nên nhiều năm qua, Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới./.