Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử: Thách thức 'sáng rau chiều rác'
Ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh nông sản, đặc biệt là hàng rau củ, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, một sàn thương mại điện tử tập trung vào lĩnh vực nông sản đạt được thành công là điều khá hiếm hoi trên thế giới…
Mua hàng trực tuyến đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau củ, vẫn còn nhiều thách thức, rào cản để có thể thành công trên sàn thương mại điện tử.
THÁCH THỨC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VỚI HÀNG NÔNG SẢN
Tại chương trình The Wise Talk với chủ đề: “Công nghệ - Chìa khóa giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số” do Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect) và VnEconomy tổ chức, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập Nền tảng thương mại điện tử nông sản Foodmap, cho biết nhìn từ góc độ của người tiêu dùng, quyết định mua hàng thường phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng. Đầu tiên là tiện lợi - nếu việc mua hàng được xem là thuận tiện, dễ dàng, thì khả năng mua hàng sẽ cao hơn.
Yếu tố thứ hai là giá cả - khi có sự khác biệt về giá giữa các nơi bán hàng, người tiêu dùng sẽ chọn mua ở nơi có giá thấp hơn. Cuối cùng là thương hiệu của sản phẩm - khi họ tin tưởng vào một thương hiệu cụ thể, họ có thể ưu tiên mua sản phẩm từ thương hiệu đó, ngay cả khi giá cao hơn so với các thương hiệu khác.
Thương mại điện tử đáp ứng được nhiều yếu tố như tiện lợi, sự đa dạng và giá cả. Điều này khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến. Đối với những nhà sản xuất và người bán hàng, thương mại điện tử là một kênh bán hàng mới giúp tăng doanh số bán hàng.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một kênh tiết kiệm chi phí khi muốn tiếp cận đối tượng khách hàng trên toàn quốc. Thương mại điện tử cung cấp khả năng tiếp cận rộng lớn hơn đến khách hàng, khác biệt so với các kênh phân phối truyền thống. Điều này khiến thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng không thể tránh khỏi.
Ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học & Giải pháp Kỹ nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng sự ra đời của thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, đối với những người am hiểu sử dụng công nghệ. Thương mại điện tử cũng giúp người dùng dễ dàng truy cập thông tin về sản phẩm, như nguồn gốc, quy trình sản xuất, và các chi tiết khác giúp họ có cái nhìn tổng quan về sản phẩm trước khi quyết định mua. Ví dụ, khi chọn một quả cam, người tiêu dùng hiện nay có thể biết nguồn gốc của nó, từ vùng trồng đến quy trình chăm sóc, đảm bảo an toàn và chất lượng. Điều này giúp tăng cường sự tin tưởng và đánh giá về chất lượng sản phẩm, và đồng thời thúc đẩy phát triển tích cực trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh nông sản, đặc biệt là hàng rau củ, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhà sản lập nền tảng Foodmap cho biết một sàn thương mại điện tử tập trung vào lĩnh vực nông sản đạt được thành công là điều khá hiếm hoi trên thế giới.
Có một số sàn thương mại điện tử bắt đầu từ việc bán nông sản và sau đó mở rộng ra bán các mặt hàng khác, hoặc có những sàn lớn đã mở rộng thêm mảng nông sản vào danh mục sản phẩm của họ, như Alibaba hoặc Pinduoduo chẳng hạn. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, chưa có nhiều ví dụ về sàn thương mại điện tử chỉ tập trung vào nông sản mà đã đạt được thành công đáng kể.
GIẢI BÀI TOÁN "SÁNG RAU CHIỀU RÁC" KHI NÔNG SẢN LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Lĩnh vực này đang đối diện với nhiều thách thức do tính mới mẻ và đặc thù của nó. Foodmap, như một ví dụ, đang trên hành trình tìm kiếm lời giải cho các thách thức này. Do đó, việc tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và thương mại điện tử trong lĩnh vực nông sản nói riêng là một hành trình đầy thử thách và đòi hỏi nhiều nguồn lực cũng như sự kiên nhẫn.
“Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và sẵn lòng tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử trong lĩnh vực nông sản”, ông Tùng nói. “Bán nông sản tươi là một bài toán khó khăn đối với ngành nông nghiệp, và ở Việt Nam, vẫn chưa có một giải pháp hoàn hảo nào cho vấn đề này”.
Thậm chí, Nhà sáng lập Foodmap cho biết trong ngành rau củ, đặc biệt là về rau, người trong ngành vẫn thường nói "sáng rau chiều rác", ý chỉ đến thời gian từ khi nhập hàng đến khi bán ra rất ngắn. Nếu kéo dài thời gian này, chất lượng của sản phẩm sẽ giảm đi. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, từ nhà cung ứng đến các đơn vị vận chuyển.
Bán nông sản tươi là một bài toán khó khăn đối với ngành nông nghiệp, và ở Việt Nam, vẫn chưa có một giải pháp hoàn hảo nào cho vấn đề này”.
Chẳng hạn, để đảm bảo chất lượng, các nhà cung ứng cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả kho lạnh và các phương tiện vận chuyển đặc biệt. Việc giao hàng trong vòng 3-4 giờ mà vẫn đảm bảo chất lượng là một thách thức đối với ngành nông sản tươi. Ngoài ra, việc dự đoán được lượng hàng cần bán so với nhu cầu thị trường cũng rất quan trọng, nhưng đang là một bài toán khó khăn.
Foodmap đã xây dựng một hệ thống gọi là Foodmap Insights để giải quyết những thách thức này. Hệ thống cho phép cập nhật thông tin về thu mua, nhà cung ứng, và tình trạng kho bãi trong thời gian thực. Dựa trên dữ liệu trong quá khứ, Foodmap có thể phân tích và dự đoán được lượng hàng cần đặt hàng trong tương lai, giúp hạn chế thiệt hại và tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và Foodmap đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tốt hơn trong tương lai.
Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Bang cho rằng ngoài việc tối ưu hóa hệ thống, việc kinh doanh thương mại điện tử cũng yêu cầu những giải pháp sáng tạo khác. Ví dụ, việc tạo ra một hệ thống giao hàng linh hoạt và hiệu quả giúp đảm bảo thời gian giao hàng và giảm chi phí. Một cách tiếp cận khác là cung cấp các gói sản phẩm đa dạng, như gói thực đơn theo tuần, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm một cách thuận tiện và nhanh chóng. Đồng thời, việc tối ưu hóa bao bì sản phẩm cũng rất quan trọng. Bằng cách sử dụng công nghệ và vật liệu bao bì tiên tiến, chúng ta có thể bảo quản sản phẩm tươi lâu hơn và đảm bảo chất lượng.
“Một lần nữa, tất cả những giải pháp này đều đòi hỏi sự hợp tác và kết hợp giữa các bên liên quan, từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị vận chuyển và kỹ thuật viên. Chỉ thông qua sự hợp tác này, chúng ta mới có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”, lãnh đạo Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhận định.