Nội dung và tư tưởng nổi bật của tác phẩm 'Phóng Cuồng Ngâm'

'Phóng Cuồng Ngâm' là tác phẩm nổi bật nhất của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác phẩm cho ta thấy được quan điểm sống giữa cuộc đời của Thượng Sĩ, cách Ngài nhìn cuộc đời qua lăng kính Phật giáo.

Mục lục bài viết

“Phóng Cuồng Ngâm” là tác phẩm nổi bật nhất của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác phẩm cho ta thấy được quan điểm sống giữa cuộc đời của Thượng Sĩ, cách Ngài nhìn cuộc đời qua lăng kính Phật giáo.

Dẫn nhập

Nội dung

Kết bài

“Phóng Cuồng Ngâm” là tác phẩm nổi bật nhất của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác phẩm cho ta thấy được quan điểm sống giữa cuộc đời của Thượng Sĩ, cách Ngài nhìn cuộc đời qua lăng kính Phật giáo.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Huệ
Học viên Thạc sĩ Phật Học khóa 6, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Đạo Phật du nhập nước ta, đến thời Trần thì đạo Phật đã thể nhập và có một vị trí đặc biệt, đứng vững trong lòng dân tộc. Trong một bối cảnh đất nước độc lập, tự chủ Thiền phái Trúc Lâm ra đời là một điều hiển nhiên của lịch sử Phật giáo, Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành cùng dân tộc đi đến sự thống nhất đất nước, góp phần phục hưng những giá trị tinh thần văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam suốt thời gian dài lịch sử.

Đây chính là sức mạnh để Phật giáo Việt Nam song hành cùng với dân tộc Việt Nam phát triển, tiếp nối những giá trị truyền thống, lưu giữ bản sắc dân tộc.

Thiền phái Trúc Lâm đã góp phần thúc đẩy diện mạo và đặc trưng đời sống văn học nước ta, thay đổi về chất lượng, vượt bậc từ giá trị nội dung tư tưởng cho đến giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm thực sự trở thành đối tượng để chúng ta tiếp cận nền học thuật Phật giáo thời Lý – Trần nói riêng, sự tiếp nối hòa nhập vào chủ lưu yêu nước và nhân văn của văn học trung đại nói chung.

Các sáng tác đã phản ánh nội dung tư tưởng Thiền gần gũi với đời sống hiện thực với nhiều màu sắc rất khác biệt. Một trong những Thiền sư nổi tiếng thời đó chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài đã để lại dấu ấn tâm linh thiền đạo qua những sáng tác văn chương khá lớn, đóng góp không nhỏ cho văn học Thiền thời Lý- Trần, “Phóng Cuồng Ngâm” là tác phẩm nổi bật nhất của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác phẩm cho ta thấy được quan điểm sống giữa cuộc đời của Thượng Sĩ, cách Ngài nhìn cuộc đời qua lăng kính Phật giáo.

Người viết qua đề tài: “Nội dung và tư tưởng nổi bật trong bài Phóng Cuồng Ngâm” sẽ trình bày rõ hơn những giá trị nội dung và tư tưởng mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đã để lại trong tác phẩm, thông qua nội dung này chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về con người cũng như tinh thần nhập thế, ung dung giữa đời của một bậc Thượng Sĩ.

Nội dung

Tuệ Trung Thượng sĩ tên thật của là Trần Tung, sinh năm 1230 và mất năm 1291, Thượng sĩ là anh vợ của vua Trần Thánh Tông, cũng là bạn chí cốt của nhà vua, được Trần Thánh Tông tôn xưng là sư huynh, đồng thời ký thác con mình là Trần Nhân Tông cho ông làm thầy trực tiếp dạy bảo. Ngài là một trong những tướng lĩnh có công với nước nhà, trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần hai, Ngài dẫn đầu hai vạn quân đón đánh và truy quét đạo quân Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt.

Trong cuộc chiến tranh lần thứ ba, Ngài Tuệ Trung đã vào bộ chỉ huy của giặc để điều đình trì hoãn giúp quân ta có thời gian củng cố lực lượng, tạo tiền đề cho chiến thắng Bạch Đằng vang dội xảy ra một tháng sau đó. Ngài được nhà vua giao cho chức Tiết độ sứ tại Thái Bình và được phong ấp ở Tịnh Bang, dựng Dưỡng Chân Trang, tiếp tục tham Thiền, sống đạo nhập thế tích cực. Ngài Tuệ Trung luôn lấy tinh thần hòa quang đồng trần làm tư tưởng sống trong đạo Thiền của mình.

Trí tuệ của Ngài luôn vượt ra khỏi giáo điều trong sách vở, không bị gò ép theo một khuôn khổ nào cả, đối với Ngài chỉ cần trí tuệ bừng sáng, chấp niệm rời bỏ thì đó là đạo giải thoát. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một trong những bậc long tượng của Phật giáo Đại Việt, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

Nhắc đến Tuệ Trung Thượng Sĩ chúng ta thường nghĩ ngay đến sự quay về bản thể, tinh thần hòa quang đồng trần, đập vỡ khái niệm trong quan điểm sống cũng như thơ văn của Ngài, có thể nói đây chính là những tư tưởng không thể tách rời khi nhắc đến Ngài, cũng giống như khi nói đến Ngài Long Thọ tức là nói đến “Tính không” đây cũng là tư tưởng chính không thể tách rời khi nhắc đến Ngài Long Thọ.

Chính vì có những đặc điểm riêng biệt đó mới làm nên một Tuệ Trung với một lối sống khác biệt, tuy không mang hình tướng của một vị xuất gia nhưng cuộc sống của Ngài luôn hướng đến đó là một cuộc sống thấm đẫm giáo lý Phật giáo, không bị gò bó bởi thế sự huyễn hoặc. Đọc tác phẩm “Phóng Cuồng Ngâm” chúng ta thấy được rõ hình ảnh đó.

Để hiểu hơn về nội dung trước tiên chúng ta bàn về nhan đề bài thơ, có rất nhiều dịch giả có ý kiến về chữ “Phóng Cuồng” này. Từ trước đến nay người ta thường hiểu chữ “Cuồng” là ngông cuồng, là điên.

Tuy nhiên theo một vài dịch giả như nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng trong “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Dịch Giải” đã nói về “Phóng cuồng” như sau: “Phóng cuồng ở đây không có nghĩa là điên cuồng hay cuồng nhiệt gì cả mà chẳng qua Thượng Sĩ không muốn coi khúc ngâm của mình là một bài chứng đạo hay một bài kệ truyền pháp mẫu mực, trang nghiêm, chỉ xem đó là một khúc hát ngông nghênh, phóng khoáng có tính chất tiêu dao của một Thiền sư đạt đạo thắm đượm tự nhiên khí chất của một Nho sĩ lãng tử hay một Đạo sĩ thoát tục.

Nói chung là một con người phiêu nhiên không bị ràng buộc. Cho nên chúng ta hiểu chữ “Phóng cuồng” đây chỉ là một cách nói tự khiêm mà cũng để nói lên tính chất thong dong tự tại với người đạt đạo, đạt quan ở Nho, ở Đạo, ở Thiền, vốn bình thường giản dị chớ không có gì phi thường, trẩn mật, bí tàng như nhiều người lầm tưởng”.

Đối với Thiền sư Thích Thanh Từ giải thích rằng “Phóng” là phóng đạt, rộng thênh thang, tự do không giới hạn, không gò bó trong khuôn khổ nào, “Cuồng” là cuồng loạn hay điên cuồng nhưng cuồng còn có nghĩa là cuồng nhiệt, là ý chí mạnh mẽ. Qua những lý giải về tựa đề chúng ta có thể nhận xét rằng đối với “Phóng Cuồng Ngâm” Thượng Sĩ không sử dụng theo nghĩa “điên” mà chính là “ý chí mạnh mẽ, cuồng nhiệt”.

“Thiên địa diểu vọng hề hà mang mang
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương.
Hoặc cao cao hề vân chi sơn,
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.”

Dịch nghĩa:

“Trời đất liếc trong chừ sao thênh thang
Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.”

Đọc bốn câu thơ đầu tiên chúng ta thấy được một hồn thơ đầy sự phóng khoáng của một bậc Thượng Sĩ xuất trần, trời đất dưới cái thấy của Ngài thật thênh thang, không giới hạn. Cảnh vật xung quanh đối với Ngài bây giờ không còn hạn cuộc vào bất kỳ không gian núi, non, sông, biển nào, mà nó mênh mông vượt ra khỏi ước định của thế tình. Đây đúng là tâm thái của một hành giả tự do giữa chốn bụi trần.

“Cơ tắc xan hề hòa-la phạn,
Khốn tắc miên hề hà hữu hương.
Hứng thì xuy hề vô khổng địch,
Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương.
Quyện tiểu khế hề hoan hỉ địa,
Khát bão xuyết hề tiêu dao thang”

Dịch nghĩa:

“Đói thì ăn chừ cơm tùy ý
Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương
Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
Chỗ lặng chừ đốt giải thoát hương
Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỷ
Khát uống no chừ thang tiêu dao”.

Ngài Tuệ Trung tuy là một người cư sĩ, nhưng cuộc sống của Ngài luôn thực tập theo nếp sống của một bậc xuất gia, sống tùy duyên, không cưỡng cầu.

Hễ đói thì ăn, mệt thì ngủ không cần sắp xếp chỗ sẵn, không ép buộc bản thân phải định theo khung giờ nào hay quy tắc nào đây không phải là cái ngông của Thượng Sĩ mà Ngài muốn tìm lại bản lai diện mục, chỗ thật tánh của mình vốn dĩ nó không nằm bên ngoài mà ngay tại trong bản thân, nên mọi thứ cứ để thuận theo tự nhiên, luôn an trú nơi tâm giải thoát, tuệ giải thoát cho nên Thượng Sĩ thổi sáo không lỗ, đốt giải thoát hương là vậy.

Chỗ nghỉ ngơi của Ngài cũng là chỗ đất hoan hỷ, nước Ngài uống cũng thành thuốc tiêu dao. Từ đầu đến cuối Ngài đều sống với phong thái thảnh thơi tự tại, không có gì giới hạn ngăn ngại, nhàn nhã thong dong, không vướng bận, chấp chặt. Đối với Ngài trong ăn uống, ngủ nghỉ, đi, đứng, nằm, ngồi tất cả đều trong khuôn khổ, oai nghi nhưng không bị ràng buộc bởi giáo điều, phong thái này chính là “Phóng” trong “Phóng Cuồng Ngâm” vậy.

“Quy Sơn tác lân hề mục thủy cổ,
Tạ Tam đồng chu hề ca “Thương Lương”
Phỏng Tào Khê hề ấp Lư thị,
Yết Thạch Đầu hề sài Lão Bàng
Lạc ngô lạc hề Bố Đại lạc
Cuồng ngô cuồng hề Phổ Hóa cuồng”.

Dịch nghĩa:

“Quy Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước
Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc “Thương Lang”
Thăm Tào Khê chừ chào Lư thị
Viếng Thạch Đầu chừ sánh Lão Bàng
Vui ta vui Bố Đại vui
Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng”.

Phong thái thoát tục của Tuệ Trung Thượng Sĩ còn tiếp tục được thể hiện qua sáu câu thơ, sau khi đã vui thú với thiên nhiên, ung dung với đất trời, Ngài lại muốn làm láng giềng với Quy Sơn Đại An, không cần học Thiền của Ngài mà chỉ “khán nhất đầu thủy cổ ngưu”, tức là chỉ lo chăn giữ con trâu tơ không cho ăn lúa mạ của người, ý sâu xa trong lời của Ngài chính là việc giữ gìn Giới luật trong tu tập, tức là đang làm bạn với Ngài Quy Sơn.

Đôi khi thì lên thuyền với Tạ Tam, thiền sư Tông Nhất để ca khúc Thương Lang, tức tùy thời, tùy cơ, tùy cảnh mà đại dụng quyền biến. Rồi Thượng Sĩ lại ghé thăm Ngài Huệ Năng ở Tào Khê, làm đồng chí với Ngài Bàng Uẩn, rồi vui với cái vui của Bố Đại, cuồng với cái cuồng của Phổ Hóa, đây đều là những bậc cổ đức chốn tòng lâm để lại nhiều giai thoại Thiền tông thú vị, phiêu nhiên.

Bây giờ rõ ràng “Phóng cuồng” là ý chí mãnh liệt, nếu không có ý chí mãnh liệt Ngài đâu dám sánh mình với các vị Thiền sư nổi tiếng như vậy. Đây cũng chính là một cái ngông của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

“Đốt đốt phù vân hề phú quý
Hu hu quá khích hề niên quang
Hồ vi hề quan đồ hiểm trở
Phả nại hề thế thái viêm lương”.

Dịch nghĩa:

“Chao! Chao! Chừ giàu sang mây nổi
Năm tháng chừ cửa sổ ngựa qua
Đi càn chừ đường quan hiểm trở
Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời”.

Đến đây, bốn câu tiếp Ngài dường như đang suy ngẫm về cuộc đời, bỗng thấy giàu sang như phù du, giống như đám mây tan rồi tụ, không bền lâu thế mà người đời vẫn tranh nhau giành lấy. Năm tháng đối với Ngài qua mau chớp nhoáng như ngựa chạy qua cửa sổ “Đường quan” tức đường công danh sự nghiệp với Ngài thật gian nan hiểm trở, thói đời thì lúc nóng lúc lạnh trắc trở khó lường vậy mà người đời cứ bon chen rồi làm cho nhau đau khổ.

Tuệ Trung Thượng Sĩ thấy được cảnh khổ ấy mới cất lời than cho kiếp nhân sinh, biết khổ nhưng không biết dừng lại. Qua những câu thơ trên chúng ta dường như cảm nhận được Thượng Sĩ đối với việc bon chen của cuộc đời đã cảm thấy chán ngán, nhưng dù vậy thái độ đối với sự bi quan ấy không phải là bất cần mà là sự buông bỏ của một bậc xuất trần.

“Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết
Dụng tắc hành hề xả tắc tàng
Phóng tứ đại hề mạc bả tróc
Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang
Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở
Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương”.

Dịch nghĩa:

“Sâu thì lội chừ cạn thì vén
Dùng thì hành chừ bỏ thì tàng
Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng
Thỏa nguyện ta chừ được sở thích
Sống chết bức nhau chừ nơi ta ngại gì”.

Ngài biết quyền biến một cách tùy thời, đúng lúc, hễ gặp nước sâu thì để nguyên áo quần mà lội, gặp chỗ cạn thì chỉ vén quần là qua được, cũng như gặp thói đời ấm lạnh thì tùy duyên mà sắp xếp, cư xử cho ổn. Khi có việc cần thì hết sức giúp đỡ cho đến lúc không cần nữa thì lui về ẩn mình tu tập.

Đây là lối sống nhập thế, hòa quang đồng trần mà hầu như trong tất cả tác phẩm của Ngài đều có, “Phóng Cuồng Ngâm” cũng không ngoại lệ. Người đời vì không có được tinh thần như Ngài, luôn sống trong chấp thủ, chấp tứ đại là thân ta nên luôn sống trong phiền não, bậc xuất trần hiểu rõ khổ đau liền xả bỏ, không chấp giữ như tỉnh mộng không còn chạy ngược xuôi.

Với thái độ sống ấy Ngài Tuệ Trung dường như đã cảm thấy thỏa nguyện, tự tại giữa sống chết không còn bận bịu với chuyện sinh tử nữa. Ngài Tuệ Trung tuy là một cư sĩ nhưng luôn giữ cho mình một quan điểm sống hết sức xuất trần, coi việc tu tập nhẹ nhàng để rồi giữ gìn một cách trọn vẹn, không quá câu nệ hình thức mà bỏ quên nội dung, một lối sống tràn đầy sự thảnh thơi nhưng vẫn giữ đúng Giới luật.

Có lẽ đây là thái độ “cuồng” của Ngài Tuệ Trung chẳng khác gì Bố Đại hay Phổ Hóa, Ngài chính là “kẻ ngông cuồng trong đôi mắt phàm tình”.

Qua bài “Phóng Cuồng Ngâm” này, ta thấy được một Tuệ Trung Thượng Sĩ “điên” nhưng Ngài “điên” trong tỉnh, một cái “điên” mà người đời muốn có. Ngài luôn thể hiện một tâm hồn thong dong, phiêu nhiên bước qua mọi khổ đau, cám dỗ của lợi danh, nhẹ nhàng bước qua những thăng trầm của thói đời để sống một cuộc sống của chính mình.

Bằng hồn thơ phóng khoáng ta cũng như được dẫn dắt theo lối sống của Ngài. Phong thái riêng lạ này dường như chúng ta chỉ bắt gặp nơi thơ văn của Tuệ Trung Thượng Sĩ – một bậc xuất trần mà thôi!

Kết bài

Phóng Cuồng ngâm” của Tuệ Trung Thượng Sĩ mang đến một hồn thơ thật mới cho dòng thơ Thiền, đó là sự phóng khoáng trong câu chữ, sự tự do trong hồn thơ, nội dung của tác phẩm cho người đọc cảm giác được sống thật với chính mình, đối mặt với cuộc sống một cách mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Dẫu vẫn thấy phảng phất trong ý thơ những sự thật khắc nghiệt của cuộc đời nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sự tự do của cuộc sống vẫn đang tiếp diễn.

Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ nhưng sự thấu tột giáo lý Phật giáo thì khó có ai sánh bằng, sự giác ngộ của Ngài dường như thoát khỏi trói buộc của các pháp thế gian, sự nhiễu loạn của thói đời không thể chi phối được sự kiên định trong tâm Ngài.

Chúng ta là thế hệ tiếp nối các bậc tiền bối, hiểu được giá trị của một nội tâm thanh tịnh cho nên phải luôn hành theo những lời dạy của chư Tổ. Tâm có “điên” nhưng hãy “điên” trong sự “tỉnh”, người biết “điên” biết mình “điên” đó mới chính là “tỉnh”, tâm luôn sống phóng khoáng tự tại, ung dung trước mọi nghịch cảnh, có như vậy con đường tu hành mới ngày cành tiến bộ hơn, đạo giải thoát mới mong dễ dàng hiển bày.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Huệ
Học viên Thạc sĩ Phật Học khóa 6, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tuong-tac-pham-phong-cuong-ngam.html