Hình tượng Bác Hồ trong phim truyện điện ảnh

Bác Hồ là nguồn cảm hứng lớn lao đối với văn nghệ sĩ để sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Trong nền nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam, các nhà làm phim cũng đã gửi tới công chúng nhiều tác phẩm xuất sắc về Bác.

Hình ảnh giới thiệu về bộ phim “Vầng trăng thơ ấu”. Nguồn: Internet

Hình ảnh giới thiệu về bộ phim “Vầng trăng thơ ấu”. Nguồn: Internet

Ngày 17-5, bộ phim truyện điện ảnh về thời niên thiếu của Bác Hồ với tên gọi “Vầng trăng thơ ấu” chính thức được công chiếu để phục vụ khán giả đúng vào dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2024). Bộ phim do Công ty Cổ phần phim Giải phóng sản xuất, đề cập đến giai đoạn Bác Hồ sống ở Huế. Phim do NSƯT Hồ Ngọc Xum làm đạo diễn, tác giả Đặng Thị Thanh Bình viết kịch bản, với sự tham gia của các diễn viên: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Ali Quang Khải, Bạch Công Khanh, Kim Ngân, Hoàng Phúc, Đình Uy... Kịch bản “Vầng trăng thơ ấu” đã từng đạt giải ba trong cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020, do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Thông qua bộ phim, các tác giả muốn kể cho khán giả câu chuyện về thời niên thiếu của Bác, cụ thể là những năm tháng sống ở kinh thành Huế. Đây là khoảng thời gian rất có ý nghĩa đối với Bác Hồ khi Người đã sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Kinh thành Huế là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu dân - cứu nước.

Với sự ra đời của “Vầng trăng thơ ấu”, nền điện ảnh Việt Nam đã có thêm một bộ phim hay và ý nghĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay, bộ phim điện ảnh đầu tiên về Bác Hồ chính là phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân, kịch bản Sơn Tùng. Bộ phim ra đời nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác và đã để lại dấu ấn cho đến hôm nay. Tiếp đó, các nhà làm phim Việt Nam đã thực hiện thêm các tác phẩm điện ảnh khác về Bác Hồ như: "Hà Nội mùa Đông năm 46" (đạo diễn Đặng Nhật Minh, kịch bản Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm), sản xuất năm 1997; "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ, kịch bản Hữu Mai), sản xuất năm 2003; "Vượt qua bến Thượng Hải" (đạo diễn Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ, kịch bản Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi), sản xuất năm 2010; "Nhìn ra biển cả" (đạo diễn Vũ Châu, kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát), sản xuất năm 2010; "Thầu Chín ở Xiêm" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, kịch bản Đinh Thiên Phúc), sản xuất năm 2015; "Nhà tiên tri" (đạo diễn Vương Đức, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm), sản xuất năm 2015.

Những tác phẩm phim điện ảnh nêu trên đã phần nào minh chứng cho niềm cảm hứng to lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động sáng tạo của các nhà làm phim Việt. Ở hai bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Nhìn ra biển cả” cho thấy tài năng, phẩm chất và bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời thanh niên mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân đến những suy tư, trăn trở trước sự lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng. Tài năng, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc được các nhà làm phim thể hiện thông qua việc khắc họa những chặng đường cách mạng của Người. Đó là những ngày tháng ở Thái Lan trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”, đến Hồng Kông trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tới Thượng Hải trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải", cho đến những ngày ở Hà Nội trong phim “Hà Nội mùa Đông năm 46” và những năm tháng khốc liệt nơi chiến khu Việt Bắc trong phim “Nhà tiên tri”. Mỗi phim được các tác giả khai thác hình tượng Bác với những góc độ khác nhau, nhưng tựu trung đều đưa đến cho khán giả cái nhìn chân thực về Người.

Tuy nhiên, thống kê lại, chúng ta vẫn thấy số lượng phim điện ảnh về Bác Hồ còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân Việt Nam muốn được tìm hiểu về Bác nhiều hơn qua những góc nhìn điện ảnh. Khi nói về cuộc đời 79 mùa xuân của Bác, rất nhiều đạo diễn, nhà biên kịch đều khẳng định đây là nguồn đề tài, niềm cảm hứng vô cùng phong phú, hấp dẫn đối với nhà làm phim. Nhiều đạo diễn, biên kịch có tên tuổi, uy tín ở trong nước đều cảm thấy mình đang mắc nợ với công chúng điện ảnh, với nhân dân khi chưa thể khai thác được những câu chuyện về Bác để đưa lên màn ảnh rộng. Bác đã để lại cho nhân dân, đất nước tấm gương hy sinh hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp cứu nước, mang đến hạnh phúc cho nhân dân. Hình ảnh Bác trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam không chỉ là một vị lãnh tụ dân tộc, mà còn là một nhân cách vĩ đại, phẩm chất cao quý, bản lĩnh phi thường, sức sống mạnh mẽ. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển thể từ chân dung lịch sử đến hình tượng nghệ thuật điện ảnh thực sự là thử thách đối với các nhà làm phim bởi đó không chỉ truyền đạt được lý tưởng, khát vọng của Bác, mà còn phải thể hiện được tình cảm yêu nước thương nòi, yêu nhân dân và “chỉ biết quên mình cho hết thảy”. Hy vọng, trong thời gian tới, công chúng yêu điện ảnh sẽ được đón nhận những bộ phim điện ảnh tầm cỡ về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó có thêm những góc nhìn mới, khám phá mới giàu tính nhân văn về Người để thu hút sự quan tâm đối với khán giả trẻ hôm nay.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202405/hinh-tuongbac-ho-trong-phim-truyen-dien-anh-92106fb/